Giám sát tình hình thực hiện chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đakrông

Chiều nay 4/11, đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh do Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân làm trưởng đoàn làm việc với UBND huyện Đakrông để giám sát tình hình thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018-2025, chiến lược đến năm 2030; khảo sát công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể và các nghệ nhân đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

 Đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách trong vùng đồng bào DTTS tại Đakrông - Ảnh: Trần Tuyền

Đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách trong vùng đồng bào DTTS tại Đakrông - Ảnh: Trần Tuyền

Theo báo cáo của UBND huyện Đakrông, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tỉ lệ hợp lý cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ huyện đến cơ sở.

Tính đến cuối tháng 6/2022, toàn huyện có 1.564 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có 486 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm 31,07%. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đã từng bước nâng cao trình độ, năng lực và có ý thức trách nhiệm trong công việc.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã. Tình trạng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng cán bộ vẫn còn diễn ra.

 Huyện Đakrông có 486 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS - Ảnh: Trần Tuyền

Huyện Đakrông có 486 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS - Ảnh: Trần Tuyền

Đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể và nghệ nhân vùng đồng bào DTTS, huyện Đakrông đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, lập danh mục 51 loại hình văn hóa phi vật thể của người Pa Kô, Vân Kiều (vùng đồng bào Pa Kô có 24, vùng đồng bào Vân Kiều có 27 loại hình văn hóa).

Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.

Thường xuyên duy trì hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, đội cồng chiêng tại các xã. Bảo tồn những nếp nhà dài, nhà sàn truyền thống của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô như lễ hội A Riêu Ping, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu; bảo tồn dân ca, dân vũ truyền thống.

Hiện, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh đang phối hợp với huyện lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với lễ hội A Riêu Ping của đồng bào Pa Kô. Đến nay, huyện Đakrông có 4 người được công nhận nghệ nhân ưu tú; 6 người đang được UBND xét đề nghị công nhận.

 Người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đakrông bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống - Ảnh: Trần Tuyền

Người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đakrông bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống - Ảnh: Trần Tuyền

Tại buổi làm việc, huyện Đakrông kiến nghị Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tổ chức xét tuyển, bố trí việc làm cho 3 người đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa hệ cử tuyển trên địa bàn huyện nhưng chưa có việc làm.

Đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nghệ nhân, già làng, trưởng bản, những người tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa cấp huyện, xã...

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân đề nghị huyện Đakrông dựa vào Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2025, chiến lược đến năm 2030 để ban hành kế hoạch cụ thể, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công việc phù hợp đối với cán bộ, công chức người DTTS trên địa bàn, đặc biệt là những cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ. Gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, sử dụng cán bộ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người đồng bào DTTS trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, không để bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc bị mai một.

Quan tâm, hỗ trợ các nghệ nhân về cả vật chất và tinh thần để học và làm tốt công tác bảo tồn văn hóa truyền thống; quan tâm phục dựng các lễ hội truyền thống của người DTTS. Chú trọng bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của người Pa Kô, Vân Kiều để qua đó góp phần phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời báo cáo với UBND tỉnh để có hướng tháo gỡ, xử lý phù hợp.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=171758&title=giam-sat-tinh-hinh-thuc-hien-chinh-sach-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-dakrong