Giám sát, xử phạt đổ rác bằng camera

Là địa phương không có bãi tập kết rác tập trung, xuất phát từ thực tế đó, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô đã cho lắp đặt 6 camera giám sát được "giấu kín" để ngăn chặn, xử lý tình trạng rác thải bị người dân đổ bừa bãi không đúng thời gian, địa điểm quy định.

Công an thị trấn Tam Sơn theo dõi camera để giám sát việc đổ rác thải

Công an thị trấn Tam Sơn theo dõi camera để giám sát việc đổ rác thải

Hệ thống camera này được gắn ở những nơi được coi là điểm “nóng” của nạn vứt rác bừa bãi. Không dừng lại ở đó, lực lượng làm công tác vệ sinh môi trường, công an thị trấn còn thường xuyên tuần tra, mật phục. Chính vì vậy, chỉ sau thời gian ngắn hiện tượng này đã giảm đến 80%.

Năm 2021, thị trấn đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm với số tiền lên đến 20 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay đã có 7 trường hợp bị phạt tiền và cảnh cáo.

Điển hình ngày 20/3/2022, thông qua camera giám sát, lực lượng làm công tác vệ sinh môi trường đã phối hợp với công an thị trấn đã bắt quả tang chị Hà Thị M, tổ dân phố Lạc Kiều, đã có hành vi vứt rác không đúng quy định, được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định 155/2016 của Chính Phủ, với mức xử phạt từ 5-7 triệu đồng.

Đa phần các trường hợp bị phát hiện, xử lý đều nghiêm túc chấp hành, cam kết không tái phạm. Song cũng có người ngoan cố không thừa nhận vì đinh ninh cho rằng hành vi của mình thực hiện vào đêm tối, lại có khẩu trang che mặt nên khó bị phát hiện song đều không thể chối cãi trước hình ảnh bị ghi lại rõ ràng.

Song khó khăn lớn nhất là kinh phí còn hạn chế, trong khi nhiệm vụ này tốn khá nhiều thời gian công sức. Đời sống của người dân ngày càng cao, nên lượng rác thải đều có xu hướng tăng. Một số nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, có lượng rác thải lớn, trong khi công tác thu gom chỉ diễn ra 1 lần/tuần ít nhiều gây ra sự bất tiện, dẫn đến tâm lý đối phó.

Được biết, năm 2014, thị trấn Tam Sơn nghiên cứu chọn lựa địa điểm xây dựng bãi tập kết rác thải sinh hoạt tập trung tại thôn Bình Sơn. Công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, tuy nhiên khi triển khai xây dựng lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân vì cho rằng khu vực này không đảm bảo khoảng cách theo quy định của pháp luật hiện hành. Nhiều lần chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động song chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề.

Không chỉ gặp khó khi không có bãi tập kết rác tập trung, năm 2022, dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường được HĐND huyện Sông Lô thông qua, kinh phí này dành cho thị trấn giảm còn một nửa so với năm trước vì lý do địa phương không có bãi xử lý rác thải tập trung.

Thực tế này gây không ít khó khăn cho địa phương trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, đồng thời tiếp tục nâng cao đời sống, thu nhập cho người làm công tác vệ sinh môi trường để kịp thời động viên, khuyến khích họ tâm huyết, gắn bó với nghề. Trong khi đây là lĩnh vực rất vất vả, chịu nhiều áp lực, khó khăn, nguy cơ mắc phải các bệnh nghề nghiệp rất cao.

Thị trấn Tam Sơn hiện có gần 1200 hộ với 4000 nhân khẩu, trung bình mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt khá lớn. Đối với các hộ dân sinh sống dọc Tỉnh lộ 307 và trên một số trục đường trung tâm của huyện, thị trấn ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên có trách nhiệm thu gom rác cố định vào sáng thứ 5 hằng tuần. Còn các hộ sinh sống trong các thôn dân cư, có quỹ đất rộng, chính quyền thị trấn yêu cầu tổ chức phân loại rác thải ngay tại nguồn, sau đó xử lý bằng hình thức đốt hoặc chôn lấp.

Từ cách làm của thị trấn Tam Sơn đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Ngược lại, tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh, tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại vẫn diễn ra một cách tràn lan, song kết quả xử lý còn rất khiêm tốn, yếu kém, thậm chí có nơi buông xuôi, đã dẫn đến tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống, sức khỏe của người dân.

Cá biệt, có nơi người dân kiến nghị phản ánh nhiều lần nhưng không được chính quyền cơ sở lắng nghe, giải quyết kịp thời, thấu đáo dẫn đến những bức xúc kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.

Suy cho cùng, yếu tố quyết định đến môi trường sống vẫn là ý thức người dân, cùng với đó là tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: Khánh Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/75995/giam-sat-xu-phat-do-rac-bang-camera.html