Giảm thiểu tác động sạt lở, ổn định đời sống người dân vùng ven biển
Với trên 300 km chiều dài bờ biển, tỉnh Cà Mau sở hữu nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở đê biển Đông và các dải rừng ngập mặn ven biển ngày càng mỏng dần do tác động của sóng biển.

Công trình kè tại biển Gành Hào (Cà Mau).
Nước biển xâm thực không chỉ làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ hiện có mà còn làm sạt lở đê bên trong, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân dọc theo tuyến đê biển Đông.
Để ứng phó với thực trạng trên, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã không ngừng xây dựng các tuyến kè, công trình chắn sóng biển, hạn chế sức tác động của sóng biển lên các công trình đê. Nhất là việc gây bồi, tạo bãi, trồng rừng ngập mặn để gieo và giữ mầm xanh rừng ngập mặn, giúp bảo vệ các tuyến đê biển ngày được tốt hơn; qua đó, bảo vệ nhà cửa, hoa màu và ổn định đời sống sản xuất của người dân.
Anh Trần Sơn Dũng (ngụ ấp Biển Đông A, phường Hiệp Thành) cho biết, trước đây, khi chưa có các trụ bê tông bảo vệ kè, ở khu vực này, những lúc có sóng to, gió lớn đập mạnh vào thân đê, làm đất đá văng lên cả mét, tràn qua thân đê, nước chảy vào trong khu dân cư.
Có nhà ở gần khu vực sạt lở ông Lâm Đa Ríth (người dân địa phương) chia sẻ, thời điểm chưa có kè bảo vệ, những đợt sóng lớn tràn qua đê, chảy thẳng vào bên trong nhà, sóng đập mạnh làm nhà tôi rung chuyển, không dám ở trong nhà, cứ thấy sóng lớn là sợ nhưng kể từ khi xây dựng kè chắn sóng tới giờ người dân nên yên tâm hơn, những đợt sóng lớn không còn đập mạnh vào thân đê nữa”.
Theo ghi nhận của phóng viên, hai đoạn sạt lở thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu cũ (nay là phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau), giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng cũ (này là Thành phố Cần Thơ) được xây dựng kè chắn sóng bên ngoài, gia cố chân kè bằng cách đổ đá xuống các hộc bị hư hại do sóng biển.
Vị trí sạt lở gần chân đê đặt các khối bê tông tản sóng hình tứ diện để ngăn chặn xói mòn do thời tiết và trôi dạt dọc bờ biển, chủ yếu để gia cố các công trình ven biển như: tường chắn sóng, đê chắn sóng. Đơn vị thi công đang hoàn thiện hệ thống cống và tuyến đường đê biển, để tạo điều kiện cho người dân đi lại an toàn.

Vị trí sạt lở đê biển Đông (phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau) đã được khắc phục, gia cố kịp thời.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết ở khu vực biển Ðông từ tháng 7/2025, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu diễn biến phức tạp, làm cho tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực đạt mức tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Ðể chủ động phòng chống, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm 2025. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều ở biển Ðông và biển Tây, nhằm phát hiện những hư hỏng, tiến hành triển khai sửa chữa, gia cố công trình, nhất là các khu vực trọng điểm đê điều xung yếu, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, bảo vệ, phòng chống sạt lở đê biển để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất các công trình Nhà nước, sản xuất, tài sản của người dân nơi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong suốt thời gian qua.
Tại những buổi kiểm tra tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh gần đây, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn, chỗ ở cho người dân.
“Nơi nào có nguy cơ mất an toàn phải tiến hành di dời người dân đến nơi an toàn, tổ chức cắm biển báo và thông báo cho người dân về tình hình sạt lở trên địa bàn. Đặc biệt là cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết, đề phòng nguy cơ sạt lở lan rộng, có kế hoạch ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra”, ông Sử lưu ý.

Việc đầu tư các công trình góp phần giảm thiểu tác động của sóng biển và tạo bãi bồi ven biển, giúp hồi sinh rừng phòng hộ ven biển.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đời sống dân sinh, hạ tầng giao thông, rừng phòng hộ và giao thương của người dân.
Để hạn chế thấp nhất sức tác động của sạt lở đến đời sống, sinh hoạt của người dân, trong những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong tỉnh, nhiều công trình, dự án bảo vệ tuyến đê biển đã được xây dựng nên và phát huy được hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu tác động của sạt lở, bảo vệ được đời sống, sản xuất của người dân vùng ven biển, nhất là sinh kế của người dân ven biển gắn liền với biển ngày càng khởi sắc hơn nhờ các nguồn lợi thủy hải sản được tái sinh qua việc gây bồi, tạo bãi, tái sinh đai rừng phòng hộ ven biển.