Giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm với sản phẩm, hàng hóa

Dẫn bài học từ vụ gần 600 sản phẩm sữa giả, mặc dù đã được lấy mẫu thử nghiệm đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn trước khi lưu hành nhưng sau đó thì người sản xuất đã không sản xuất theo đúng như mẫu ban đầu, đại biểu Quốc hội cho rằng cần bổ sung nguyên tắc hậu kiểm tương ứng với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro.

Quang cảnh phiên thảo luận hội trường. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Quang cảnh phiên thảo luận hội trường. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Phiên thảo luận sáng 17/5 tại hội trường Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trở nên "nóng" hơn khi các đại biểu Quốc hội đề cập đến vụ gần 600 sản phẩm sữa giả vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) nhận thấy, dự thảo Luật có điểm mới tiến bộ khi chia hàng hóa thành 3 nhóm để quản lý: nhóm rủi ro thấp tương đương với nhóm 1 ở Luật hiện hành, nhóm rủi ro trung bình và rủi ro cao tương đương với nhóm 2 trong Luật hiện hành. Tuy nhiên, nguyên tắc quản lý vẫn thiên về biện pháp quản lý tiền kiểm. Đó là sản phẩm phải có kết quả tự đánh giá, kết quả thử nghiệm của người sản xuất, kinh doanh hoặc kết quả đánh giá của bên thứ ba được chỉ định mà không có nguyên tắc quản lý hệ thống chất lượng nhằm đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và có chất lượng luôn ổn định.

Đại biểu Hà phân tích, thử nghiệm sản phẩm cuối cùng không phải là biện pháp quản lý có hiệu quả chất lượng sản phẩm, hàng hóa như nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến rất sâu về nội dung này trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Dẫn chứng bài học từ vụ gần 600 sản phẩm sữa giả vừa qua, Đại biểu Hà cho biết, mặc dù đã được lấy mẫu thử nghiệm đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn trước khi lưu hành nhưng sau đó thì người sản xuất đã không sản xuất theo đúng như mẫu ban đầu; còn cơ quan quản lý nhà nước thì không hậu kiểm đầy đủ, người tiêu dùng lại yên tâm rằng sản phẩm đã có công bố về tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ.

Theo thông lệ quốc tế, việc phân mức độ rủi ro của sản phẩm để có những biện pháp quản lý rủi ro tương ứng và quy định này lại không rõ ràng về tần suất hay mức độ mà tổ chức, cá nhân phải tự đánh giá. Hơn nữa, cụm từ “theo yêu cầu khác theo pháp luật chuyên ngành” cũng rất chung chung. Vì vậy, Đại biểu Hà kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng quản lý hệ thống chất lượng và nguyên tắc hậu kiểm tương ứng với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro hoặc giao Chính phủ quy định, quy định rõ ràng để thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc quản lý các nhóm hàng hóa, nhất là nhóm hàng hóa rủi ro trung bình, rủi ro cao; đồng thời, rà soát sửa ngay trong dự thảo một số luật chuyên ngành có liên quan.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, các quy định của dự thảo Luật về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm chưa sửa đổi được tương xứng, trong khi thực tế đang đòi hỏi rất cấp thiết một cơ chế hậu kiểm chủ động, hiệu quả và khả thi.

Đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một điều riêng quy định cơ chế hậu kiểm theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Theo đó, cần tập trung hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm rủi ro cao hoặc các tổ chức, cá nhân từng bị xử lý vi phạm nhiều lần nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và phương thức tham gia của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động hậu kiểm; tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các tổ chức này được tham gia giám sát, kiến nghị thu hồi công khai vi phạm.

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định để chuyển từ cơ chế kiểm tra thụ động sang chủ động có kế hoạch dựa trên phân tích dữ liệu phản ánh từ nhiều nguồn chứ không chỉ chờ đến khi có vi phạm mới xử lý. Bổ sung quy định về công khai kết quả hậu kiểm. Áp dụng cơ chế thu hồi bắt buộc và triệt để toàn bộ lô sản phẩm có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là sản phẩm rủi ro cao.

Đồng tình, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý chất lượng phù hợp thông lệ quốc tế, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ kiểm tra sản phẩm cuối sang kiểm soát quá trình và chuyển từ quản lý theo phương thức truyền thống sang quản lý dựa trên rủi ro. Bởi theo Đại biểu, hiện dự thảo Luật vẫn thể hiện theo phương thức quản lý dựa trên công bố hợp chuẩn, hợp quy nên không phù hợp với phương thức quản lý hiện đại dựa trên đánh giá rủi ro..

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Thay mặt cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình về chuyển từ chia nhóm sản phẩm một cách hành chính trước đây sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro để quản lý khác nhau theo hướng ít tiền kiểm và tăng cường giám sát, hậu kiểm, thay đổi thứ tự tiền kiểm, hậu kiểm, giám sát chuyển thành giám sát, hậu kiểm và tiền kiểm.

Bộ trưởng cho biết: Với các sản phẩm rủi ro cao phải công bố hợp quy với sự đánh giá của bên thứ ba, tức là có tiền kiểm và đa số các quốc gia đều làm như vậy với khoảng từ 5% đến 10% tổng số hàng hóa, còn lại từ 90 đến 95% là hậu kiểm. Sản phẩm rủi ro trung bình thì doanh nghiệp tự công bố hợp quy và tự chịu trách nhiệm. Với sản phẩm rủi ro thấp thì doanh nghiệp công bố tính năng tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng nếu có.

Bộ trưởng khẳng định, dù có tiền kiểm hay hậu kiểm thì hậu kiểm thường xuyên vẫn là biện pháp căn cơ, lâu dài. Tần suất hậu kiểm phụ thuộc vào mức độ rủi ro của sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp, doanh nghiệp có uy tín, ít vi phạm thì tần suất hậu kiểm thấp, chứng nhận sự phù hợp của bên thứ ba phục vụ công bố hợp quy thì làm một lần, dùng chung cho các thủ tục hành chính nếu có, không trùng lặp thủ tục như giữa đăng ký, lưu hành và chứng nhận hợp quy tại các luật khác nhau và đảm bảo các luật chuyên ngành phải tuân thủ nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chỉ làm lại khi có sự thay đổi đầu vào quy trình hay dây chuyền sản xuất.

Theo Bộ trưởng, đối với hàng hóa nhập khẩu thì thừa nhận kết quả quốc tế thay vì phải dán nhãn phụ, dấu công bố hợp quy một cách vật lý trên trực tiếp sản phẩm như trước đây nay sẽ áp dụng nhãn điện tử trên bao bì sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo. Đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu có mức độ rủi ro trung bình mà có cùng loại, cùng tên, cùng nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất và chất liệu bao bì thì dự thảo luật có quy định giảm nhẹ thủ tục đánh giá sự phù hợp và tự công bố hợp quy đối với những lần nhập khẩu tiếp theo.

“Đây là những thay đổi có tính chiến lược, chuyển từ tiền kiểm là chính sang giám sát hậu kiểm, quản trị rủi ro, giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ được người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế, có nghĩa phải cân bằng bộ 3: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng và Nhà nước đảm bảo sự phát triển có trật tự, tăng vai trò của các tổ chức xã hội trong hậu kiểm như các đại biểu nêu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mạnh Quang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giam-tien-kiem-tang-cuong-hau-kiem-voi-san-pham-hang-hoa-post548797.html