Gian lận xuất xứ hàng hóa: Nước ngoài mạo danh, Việt Nam thiệt
Cục Hải quan Đồng Nai vừa phát hiện một DN FDI đang thực hiện việc thay các nhãn mác hàng hóa ghi xuất xứ Trung Quốc bằng xuất xứ VN. Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng lợi dụng xuất xứ hàng hóa của VN.
Mặc dù hiện tượng này không mới nhưng điều đáng nói là tình trạng vi phạm ngày một gia tăng và tính chất ngày một tinh vi, phức tạp trong khi các biện pháp xử lý còn thiếu chế tài “mạnh tay” khiến các cơ quan chức năng rất khó xử lý.
Chuyển tải bất hợp pháp
Thủ đoạn thường thấy nhất trong trường hợp này là các DN FDI đầu tư vào VN sản xuất gia công hàng hóa XK nhưng ở công đoạn chưa đủ để đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ nhưng vẫn khai báo là xuất xứ VN (ghi xuất xứ VN trên nhãn hàng hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp C/O). Điều đáng nói là nhiều trường hợp, hàng hóa của các DN này không được cấp giấy chứng nhận xuất xứ và có thể dẫn đến nguy cơ làm giả C/O.
Hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, thường xảy ra đối với hàng dệt may, thủy sản, nông sản... Trong đó có một số trường hợp điển hình là: một số mặt hàng của Trung Quốc xuất sang VN, thay bao bì, hoặc bỏ bao bì rồi xuất đi Đài Loan nhằm gian lận về xuất xứ như gạch men, phân bón. Do Đài Loan áp dụng thuế suất thuế NK đối với các mặt hàng NK từ Trung Quốc cao hơn so với hàng NK từ các nước khác trong đó có VN.
Một vụ việc gần đây nhất, Cục Hải quan Đồng Nai đã chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu điều tra phát hiện Công ty TNHH Công nghiệp SPC Tianhua VN (trụ sở tại KCN Nhơn Trạch 3, DN có 100% vốn nước ngoài) có hành vi giả mạo xuất xứ VN để xuất hàng đi Hoa Kỳ. Theo kết quả điều tra thì Cty này không sản xuất tại VN mà chỉ NK hợp chất xử lý nước từ Trung Quốc về rồi sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Trung Quốc bằng nhãn mác ghi xuất xứ VN trên lô hàng để xuất khẩu đi Hoa Kỳ.
Theo Tổng cục Hải quan, việc chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa VN... sẽ khiến cho lượng hàng hóa xuất khẩu từ VN tăng đột biến (trong khi hàng hóa có xuất xứ thật sự của VN không tăng), dễ dẫn tới khả năng hàng hóa của VN bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng, qua đó gây mất uy tín của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu của VN.
Vi phạm về hàng NK
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, những vi phạm xuất xứ thường xảy ra đối với hàng NK. Nhiều lô hàng hóa NK không đáp ứng yêu cầu vận tải trực tiếp theo quy định về xuất xứ nhưng đã được Hải quan cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Nếu áp dụng đúng quy định trong Hiệp định và Thông tư hướng dẫn về xuất xứ thì sẽ dẫn đến số thuế truy thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả này là do sự kém hiểu biết các quy định về xuất xứ của DN NK và Hải quan địa phương không cập nhật kịp thời các văn bản và hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Vấn đề này, hiện Tổng cục Hải quan đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính và sau đó báo cáo Thủ tướng.
Đã có nhiều hàng hóa không đạt tiêu chuẩn xuất xứ nhưng vẫn được cấp C/O form ưu đãi đặc biệt, ví dụ như trường hợp các lô hàng thép cán nguội NK từ Philippnes. Một trường hợp vi phạm lớn khác về việc cấp C/O sai quy định về hàm lượng xuất xứ được kể đến là 23 lô hàng sản phẩm điện tử, điện lạnh NK trị giá 730.000 USD, có C/O mẫu D chứng nhận 100% giá trị sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan. Các lô hàng này được nhập về từ nhà xuất khẩu Chokchaimukdahan Import - Export được hưởng ưu đãi thuế suất theo CEPT/AFTA. Theo thông báo của Bộ Công Thương và căn cứ kết quả kiểm tra thực tế của đoàn kiểm tra liên ngành Thương mại - Hải quan - Quản lý thị trường tại một số cửa khẩu biên giới với Lào thuộc Cục Hải quan Hà Tĩnh, C/O mẫu D của các lô hàng NK từ Thái Lan không phải là C/O bị làm giả, nhưng Phòng cấp C/O của Thái Lan đã cấp không đúng quy định của Hiệp định và luật pháp Thái Lan (tại ô số 8 trên C/O có đánh dấu “X”, thể hiện hàm lượng ASEAN của sản phẩm đạt 100% trong khi sản phẩm thực tế không thể đạt tiêu chuẩn xuất xứ như vậy). Do vậy, các lô hàng này đã bị xử lý truy thu thuế.
Cần biện pháp mạnh tay
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu các hiện tượng trên, trước hết cần phải rà soát và sửa đổi các quy định chưa phù hợp liên quan đến xuất xứ hàng hóa như sửa các quy định vận đơn chở suốt phát hành tại nước xuất khẩu để phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại… Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương rà soát các quy định chưa rõ ràng trong Hiệp định có thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các nước thành viên, đàm phán với các nước thành viên để tiến tới quy định thống nhất trong các Hiệp định.
Thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ... áp thuế chống bán phá giá và áp với các nước nào. Khi phát hiện ra những DN xuất NK tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá, hoặc đang điều tra... hải quan cần có cảnh báo cho các cơ quan liên quan như VCCI, Bộ Công Thương và chỉ đạo Hải quan địa phương tiến hành các biện pháp kiểm tra chặt chẽ.
Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận xuất xứ như: Tổng cục Hải quan, VCCI, Cục quản lý cạnh tranh, Vụ XNK (Bộ Công Thương); Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT); Bộ Công an... nhằm xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng xuất khẩu có dấu hiệu kim ngạch lớn bất thường ở từng thời điểm để yêu cầu kiểm tra xuất xứ.