Gian nan áp thuế giá trị gia tăng với phân bón
Áp thuế giá trị gia tăng (VAT) với phân bón như thế nào để hài hòa lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân vẫn đang là bài toán nan giải khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng.
Cần bảo vệ nông dân
Sẽ được trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo) đang được gấp rút hoàn thiện.
Đây là Dự thảo đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy với quan điểm còn rất khác nhau về mức thuế suất, nhất là với phân bón. Khi đó, nhiều ý kiến tán thành việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần giữ như quy định hiện hành và đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi chính sách từ góc độ ngành sản xuất, cũng như từ tác động đối với người tiêu dùng.
Một số vị đại biểu đề nghị quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất 0% hoặc 2% và được khấu trừ thuế VAT đầu vào hoặc đề nghị tăng thuế đối với mặt hàng này theo lộ trình.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chuyên đề pháp luật vừa qua, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra) cho biết, Thường trực Ủy ban có 2 luồng quan điểm.
Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ quy định hiện hành vì thuế VAT là thuế gián thu, người chịu thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế VAT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái với tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung Dự thảo, vì Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế VAT đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính của Quốc hội nghiêng về quan điểm thứ nhất. Cũng tán thành quan điểm thứ nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc áp thuế VAT 5% với phân bón sẽ khiến người nông dân chịu thiệt, bởi đây là thuế gián thu, người nông dân, tiêu dùng cuối cùng phải chịu do giá bán tăng. Khi áp thuế VAT với phân bón, sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhưng cũng cần bảo vệ người nông dân, là quan điểm của ông Thanh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, đã xem lại toàn bộ báo cáo đánh giá tác động, nếu như đánh thuế VAT 5% với phân bón, thì mỗi năm Nhà nước sẽ thu khoảng 5.700 tỷ đồng, trong đó hoàn thuế cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách nhà nước được 4.200 tỷ đồng. “Như thế tức là thu của người sử dụng phân bón 5.700 tỷ đồng mà cho rằng giảm được giá bán, tôi thấy không thuyết phục”, ông Giang nhận xét.
Theo ông Giang, nếu không giữ được như hiện hành, để đảm bảo cho việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, thì nên đánh thuế 0% đối với mặt hàng phân bón.
Tưởng là ưu đãi, nhưng là gánh nặng
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) , thời gian vừa qua, chính sách miễn thuế đối với phân bón và nhiều hàng hóa vật tư nông nghiệp khác tưởng như là ưu đãi, nhưng thực ra tạo ra một gánh nặng rất lớn cho ngành hàng trong nước.
Ông Tuấn nêu tính toán cho thấy, hiện chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp khoảng 6-8%, cao hơn mức thuế suất Chính phủ dự tính áp dụng. Tức là, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có thuế VAT, nhưng không được hoàn.
“Trong khi đó, nếu phân bón nước ngoài nhập vào Việt Nam không phải chịu thuế VAT, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nước ngoài. Với năng lực sản xuất dư thừa trên thế giới hiện tại, thì thời gian tới, có lẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, ông Tuấn nhận định.
Hạn chế tối đa việc gian lận hóa đơn.
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi ban hành phải hạn chế tối đa việc gian lận hóa đơn, bán hóa đơn thuế VAT trong kinh doanh, mua bán, trốn thuế. Bây giờ, các cơ sở kinh doanh ăn uống thường hỏi khách có lấy hóa đơn đỏ không, lấy hóa đơn đỏ mới tính VAT, còn không cần thiết phải lấy thì hai bên thỏa thuận giảm đi.
Ví dụ, trong phiếu tính 10 triệu đồng có thể giảm xuống 8 triệu, người đi ăn được lợi 1 triệu và người bán cũng được lợi 1 triệu. Không có cán bộ thuế nào đứng để kiểm soát từng người, từng đoàn ra vào các nhà hàng được. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc trốn thuế VAT, bán hóa đơn. Có những công ty tay không lập ra để mua bán hóa đơn VAT, rất nhiều vụ việc đã được xử lý.
Về lo ngại việc áp thuế 5% cho phân bón có thể làm chi phí phân bón tăng, ông Tuấn cho rằng, chưa hẳn sẽ như vậy, bởi vì năng lực sản xuất phân bón trong nước rất lớn, nếu áp thuế 5% thì sẽ tác động nhất định tới giá thành sản xuất trong nước (hiện chiếm hơn 73% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất sẽ được hoàn thuế và họ có dư địa giảm giá bán, thậm chí có thể chiếm lĩnh thị trường. Chưa kể, phân bón là mặt hàng trong diện bình ổn giá, nên cơ quan quản lý có thể sử dụng biện pháp bình ổn trong trường hợp cần thiết.
Nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo là phân bón chịu thuế VAT 5%, ông Tuấn nhấn mạnh: “Đây là một bài toán căn cơ phải tính toán để làm sao vừa tự chủ được năng lực sản xuất, vừa giữ được ngành sản xuất phân bón trong nước”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo, đánh giá đầy đủ tác động của từng phương án để lựa chọn tối ưu. “Áp thuế làm sao có lợi cho người sản xuất, kinh doanh, nhưng cũng phải có lợi cho Nhà nước, đôi bên cùng có lợi, chứ không để một bên thiệt, một bên lợi. Cần cân nhắc thật kỹ quy định các mặt hàng chịu thuế suất 0% và 5%”, ông Mẫn nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị, Chính phủ tiếp tục làm rõ, đưa số liệu chứng minh sự cần thiết áp thuế 0% hay 5% với phân bón. Sau đó đưa nội dung này ra Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến diễn ra ngày 29/8 tới đây để rộng đường thảo luận trước khi khép lại phương án nào tối ưu cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, tiếp tục rà soát, thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo về việc miễn thuế hay áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Hải cũng đề nghị hai cơ quan thống nhất quy định lại lộ trình tăng thuế suất, phương pháp tính thuế, quản lý thu thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên cơ sở nền tảng số, bổ sung quy định về hành vi bị cấm, trường hợp hoàn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu… trong Dự thảo.
Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc rà soát, hoàn thiện Dự thảo phải đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp và các khoản thu ngân sách nhà nước do luật định, phù hợp với chủ trương của Đảng và mục tiêu, quan điểm trong chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và cơ bản phải tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đã được tổng kết, đánh giá.
Đồng thời, thực hiện đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao, nhất là những vấn đề đã có quyết sách của Trung ương. Những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gian-nan-ap-thue-gia-tri-gia-tang-voi-phan-bon-d222465.html