Gian nan dập dịch ở vùng biên

Xa trung tâm thành phố, trung tâm huyện; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhiều hủ tục; trong khi số người mắc Covid-19 ở địa bàn gia tăng mỗi ngày, chính là khó khăn chồng khó khăn trong 'cuộc chiến' khoanh vùng, dập dịch ở các xã biên giới thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng (đầu tiên bên phải) trực tiếp chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch ở xã Mường Nhà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng (đầu tiên bên phải) trực tiếp chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch ở xã Mường Nhà.

Sau mấy ngày tập trung truy vết, khoanh vùng, chuẩn bị cơ sở vật chất khu điều trị F0 và khu cách ly tập trung cho hàng trăm F1 tại 3 ổ dịch ở 3 xã giáp biên giới Việt Nam - Lào, gồm: Na Tông, Mường Nhà, Pom Lót, đến chiều 4/11, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện Điện Biên đã cơ bản hoàn thành truy vết, bố trí cách ly cho 580 F1.

Qua thực tiễn chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch tại cơ sở, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho rằng, ngoài khó khăn nhìn thấy khối lượng công việc nhiều lại triển khai tại các xã biên giới xa trung tâm, thiếu thốn cơ sở vật chất thì việc khoanh vùng, dập dịch ở vùng biên còn rất nhiều khó khăn đặc thù. Mà khó nhất là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã: Na Tông, Mường Nhà không thạo tiếng phổ thông khiến việc lấy thông tin truy vết khó khăn, mất nhiều thời gian mà thông tin không chuẩn xác ảnh hưởng tiến độ truy vết F1, F2.

Ổ dịch ở bản Gia Phú A, xã Na Tông hiện diễn biến rất phức tạp với số ca mắc cao nhất trong toàn huyện song một số người dân trong bản lại không hợp tác khi khai báo lịch trình di chuyển, tiếp xúc; một số người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hủ tục thì viện cớ không tuân thủ quy định cách ly, giãn cách. Và cũng nhiều người tuổi cao, sức yếu không sẵn sàng về khu cách ly tập trung dành cho F1…

Thành viên tổ covid cộng đồng xã Noong Luống, huyện Điện Biên thu thập thông tin về lịch trình di chuyển của người dân trong xã.

Thành viên tổ covid cộng đồng xã Noong Luống, huyện Điện Biên thu thập thông tin về lịch trình di chuyển của người dân trong xã.

Đề cập khó khăn trong công tác khoanh vùng, dập dịch ở các xã biên giới tại địa bàn huyện Điện Biên, ông Bùi Hải Bình, cho biết: Trong số 12 xã biên giới thuộc huyện, hiện dịch đã bùng phát tại 3 xã: Na Tông, Mường Nhà, Pom Lót với tổng số 55 ca mắc. Cụ thể, xã Na Tông 41, Mường Nhà 8 và Pom Lót có 6 bệnh nhân. Căn cứ kết quả truy vết của lực lượng chức năng, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện Điện Biên thống nhất với nhận định, bệnh nhân S.A.S. trú tại bản Gia Phú A (xã Na Tông) là người đầu tiên nhiễm bệnh, sau đó bệnh lây nhiễm ra các bản khác trong xã rồi lây sang xã khác.

Hiện tại, toàn bản Gia Phú A đã ghi nhận 35 người mắc Covid-19 trong khi cả bản chỉ có 43 gia đình với 272 nhân khẩu là dân tộc H’Mông. Theo quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế, 100% F1 của bản Gia Phú A phải cách ly tập trung và đây chính là vấn đề khó đặt ra từ thực tiễn mà nhiều ngày qua các thành viên Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh huyện Điện Biên phải tập trung bàn bạc, thảo luận tìm giải pháp.

“Cách trung tâm xã 40 km, nhưng cách biên giới Việt - Lào chỉ 600 m, nếu đưa toàn bộ người dân bản Gia Phú A về khu cách ly tập trung tại xã Na Tông thì nhà cửa, trâu bò, tài sản của người dân giao cho ai, lực lượng nào trông coi, bảo vệ? Ngay cả khi có lực lượng trông coi, bảo vệ thì rất nhiều người không sẵn sàng chấp hành quy định về khu cách ly… Do đó, huyện rất cần được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng thuận với giải pháp, lập điểm cách ly tập trung tại bản Gia Phú A và yêu cầu người dân thực hiện cách ly nhà với nhà; mỗi gia đình là một phòng cách ly”, ông Bùi Hải Bình đề xuất.

Về phương án bố trí lực lượng bảo vệ khu cách ly tập trung bản Gia Phú A, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch huyện Điện Biên đã sẵn sàng bố trí 33 cán bộ, nhân viên chia thành 4 tổ, gồm: Tuyên truyền, vận động; hậu cần; an ninh trật tự và tổ y tế trực tiếp cắm tại bản thực hiện nhiệm vụ, giám sát người dân trong mỗi gia đình. Về lương thực, thực phẩm của các gia đình sẽ do tổ hậu cần cập nhật hằng ngày và sẵn sàng đáp ứng trong suốt thời gian người dân cách ly tập trung theo quy định.

Nhất trí với giải pháp đưa lực lượng vào lập điểm cách ly tập trung tại bản Gia Phú A, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng, với khó khăn đặc thù tại các bản vùng biên như Gia Phú A, Huổi Chanh giải pháp lập bản làm điểm cách ly tập trung lúc này là phù hợp; nếu làm tốt, hiệu quả thì có thể nhân rộng ra xã khác, địa phương khác.

Song để việc cách ly tập trung tại bản bảo đảm đúng quy định, để người dân chấp hành nghiêm túc, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch huyện Điện Biên phải bố trí lực lượng quản lý, giám sát đến từng gia đình trong bản, sao cho mỗi gia đình trong bản là một phòng cách ly riêng biệt; các quy định cách ly tập trung đều phải được tuân thủ chặt chẽ. Trong suốt thời gian người dân bản Gia Phú A cách ly tập trung, cấp ủy, chính quyền cơ sở phải bảo đảm lương thực, thực phẩm cho mỗi gia đình; tuyệt đối không được để gia đình nào thiếu ăn, không để một người dân nào bị đói.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/gian-nan-dap-dich-o-vung-bien-672631/