Gian nan thu hồi xe máy cũ nát

Không chỉ gây mất an toàn giao thông, xe mô tô, xe gắn máy cũ nát còn phát thải ô nhiễm vào môi trường không khí, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của người dân. Các cơ quan chức năng đều xác định, việc kiểm soát khí thải xe máy và tiến đến loại bỏ xe máy cũ nát là cần thiết. Tuy nhiên, hiện công tác này đang gặp nhiều gian nan do vướng mắc quy định pháp lý và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của người dân.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra một trường hợp sử dụng xe cũ nát lưu thông trên địa bàn. Ảnh: Trọng Hiếu

Sử dụng nhiều năm chưa muốn thải bỏ

Sử dụng chiếc xe máy nhãn hiệu SYM Angel Hi có "tuổi đời" hơn 20 năm để đi chợ hằng ngày, chị Cấn Thị Hoa (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) cho biết, chiếc xe có ưu điểm nhỏ gọn, phù hợp với phụ nữ. Chỉ cần lắp thêm giá đèo hàng là chị có thể chở cả tạ rau, củ vào chợ nội thành. Chiếc xe phù hợp với công việc của chị Hoa bởi thoải mái quăng quật, chẳng may đổ ngã, xước sát cũng không tiếc. Dù sử dụng xe đã lâu, nhưng chị Hoa chưa nghĩ đến việc thải bỏ, chỉ khi nào xe hỏng mới mang đi sửa...

Khu vực "hội tụ” của xe máy cũ nát phải kể đến trục đường La Thành, nơi có nhiều cửa hàng buôn bán sắt thép, vật liệu xây dựng. Gần như trước mỗi cửa hàng đều có một chiếc xe máy cũ nát sẵn sàng phục vụ việc vận chuyển hàng hóa tại đây. Anh Nguyễn Vũ Hưng (đường La Thành, quận Đống Đa) kể, những người chở hàng chất lên xe cả đống sắt thép dài đến vài mét rồi luồn lách trên đường như “làm xiếc”. Ngoài việc mất an toàn giao thông, những chiếc xe “đồng nát” này còn xả khói mù mịt gây ô nhiễm môi trường.

Anh Nguyễn Văn Tiến, Trạm bảo dưỡng xe SYM số 85 phố Tôn Đức Thắng cho biết, hầu hết người dân chỉ tập trung kiểm tra, bảo dưỡng xe máy mới theo định kỳ, còn với dòng xe cũ từ 10 năm trở lên rất ít người đến tu sửa, chăm sóc. Chỉ khi xe hỏng họ mới mang vào sửa chứ không ai quan tâm đến tiêu chí bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, không phải những xe đã sử dụng lâu đều là xe cũ, nát. Ông Trần Hữu Quang (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cho biết, hơn hai chục năm trước, ông thu vén, dành dụm một khoản tiền lớn mới mua được chiếc xe nhãn hiệu Honda Cup 82. “Hiện xe của tôi vẫn tốt và hoạt động an toàn. Vì thế, không thể tính niên hạn sử dụng để thu hồi xe được”, ông Quang nói.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy đăng ký trước năm 2000), chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia lưu thông trên địa bàn. Khí thải từ phương tiện cũ nát ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí và sức khỏe của cộng đồng dân cư...

Người dân sử dụng xe máy cũ nát để chở hàng tại một cửa hàng trên đường La Thành (quận Đống Đa). Ảnh: Ngân Thùy

Cần nhiều giải pháp

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, hiện cơ quan công an chưa tiến hành thu hồi xe mô tô, xe gắn máy cũ nát do không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải. Nhưng mỗi năm đơn vị đều xử lý hàng nghìn phương tiện cũ nát vi phạm giao thông như chở hàng cồng kềnh, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, xe không có giấy tờ đăng ký... Với những phương tiện cũ nát nhưng vẫn có đầy đủ giấy tờ đăng ký xe, cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở, tuyên truyền để người tham gia giao thông sớm sửa chữa, thay thế xe bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Hà Cầu - Thăng Long (quận Hà Đông) Nguyễn Văn Thốn cho hay, bến xe tĩnh do đơn vị quản lý đang lưu giữ hàng nghìn xe cũ nát do các đội cảnh sát giao thông chuyển tới, nhưng không thấy người vi phạm đến làm thủ tục giải quyết. Lượng phương tiện bị “bỏ quên” lâu ngày đã trở thành đống sắt vụn ngày càng lớn gây gánh nặng về kho bãi cho doanh nghiệp. Năm nào công ty cũng đề nghị Công an thành phố làm thủ tục thanh lý phương tiện cũ nát, nhưng số lượng giải quyết rất ít...

Về vấn đề này, theo Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Nguyễn Văn Phương, xe mô tô, xe gắn máy là tài sản cá nhân, hiện chưa có quy định niên hạn làm cơ sở thu hồi, nên việc kiểm soát xe máy cũ nát có thể thực hiện thông qua đo kiểm khí thải. Việc triển khai này cần nhiều giải pháp, trong đó nên có sự thống nhất của các bên liên quan như cơ quan quản lý xây dựng quy định pháp lý, nhà sản xuất có phương án hỗ trợ người dân đổi xe cũ lấy xe mới...

Ngày 22-7-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND về việc thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch này hiện chưa triển khai. Để có cơ sở pháp lý trong việc thu hồi, tiêu hủy xe cũ nát, gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai kế hoạch này và tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, hợp tác vì sự an toàn của cả cộng đồng.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1015961/gian-nan-thu-hoi-xe-may-cu-nat