Gian nan việc lập quỹ hỗ trợ thiệt hại do thảm họa khí hậu gây ra

Các quốc gia đã tiến một bước gần hơn tới việc thành lập quỹ để giúp đỡ các quốc gia nghèo bị thiệt hại do thảm họa khí hậu, nhưng con đường lập quỹ còn nhiều gian nan do quan điểm của một số quốc gia chưa thống nhất.

Thỏa thuận thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” được ca ngợi là bước đột phá đối với các nhà đàm phán của các nước đang phát triển tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập năm ngoái, sau nhiều năm không nhận được ủng hộ từ một số quốc gia.

Nhưng trong 11 tháng qua, các chính phủ đã phải nỗ lực để đạt được sự đồng thuận về các chi tiết của quỹ, chẳng hạn như ai sẽ thanh toán và quỹ sẽ được đặt ở đâu.

Một ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ triển khai quỹ đã họp lần thứ năm tại Abu Dhabi trong tuần này, sau sự bế tắc ở Ai Cập vào tháng trước để hoàn thiện các khuyến nghị sẽ được đưa ra cho các chính phủ khi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm COP28 ở Dubai. Mục tiêu là đưa quỹ này vào hoạt động vào năm 2024.

Ủy ban, đại diện cho một nhóm quốc gia đa dạng về mặt địa lý, hôm 4-11 đã quyết định đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) đóng vai trò là người được ủy thác và chủ trì của quỹ. Đề nghị này đã gây ra sự chia rẽ giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Việc lập quỹ giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu đang khá gian nan

Việc lập quỹ giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu đang khá gian nan

Các nước đang phát triển lập luận rằng việc đặt một quỹ tại Ngân hàng Thế giới, nơi các chủ tịch do Mỹ bổ nhiệm, sẽ mang lại cho các nước tài trợ tầm ảnh hưởng lớn đối với quỹ và dẫn đến mức phí cao đối với các nước tiếp nhận.

Để thu hút tất cả các quốc gia cùng tham gia, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý đóng vai trò là cơ quan quản lý tạm thời và chủ quản của quỹ trong thời gian 4 năm.

Jennifer Morgan, đặc phái viên về khí hậu của Đức, cho biết trong một bài đăng trên X rằng Berlin “sẵn sàng hoàn thành trách nhiệm của mình - chúng tôi đang tích cực nỗ lực đóng góp vào quỹ mới và đánh giá các lựa chọn để có nhiều nguồn tài chính mang tính cơ cấu hơn”.

Nhưng những người khác thì kém lạc quan hơn.

Harjeet Singh - người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận Climate Action Network International cho biết: “Đây là một ngày ảm đạm đối với công lý khí hậu, khi các nước giàu chưa mặn mà với các cộng đồng dễ bị tổn thương”.

“Các nước giàu… không chỉ ép buộc các quốc gia đang phát triển chấp nhận Ngân hàng Thế giới là bên quản lý của quỹ tổn thất và thiệt hại mà còn trốn tránh nghĩa vụ dẫn đầu trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cộng đồng và quốc gia đó”.

Ủy ban cũng khuyến khích các nước phát triển tiếp tục hỗ trợ cho quỹ này, nhưng không giải quyết được nghi vấn liệu các quốc gia giàu có có phải chịu nghĩa vụ tài chính nghiêm ngặt để tham gia hay không.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters: “Chúng tôi rất tiếc rằng văn bản này không phản ánh sự đồng thuận liên quan đến nhu cầu làm rõ về tính chất tự nguyện của các khoản đóng góp”.

Sultan Ahmed al-Jaber, người sẽ chủ trì các cuộc đàm phán COP28, cho biết ông hoan nghênh các khuyến nghị của ủy ban và chúng sẽ mở đường cho một thỏa thuận tại COP28.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/tranh-cai-ve-viec-lap-quy-ho-tro-thiet-hai-do-tham-hoa-khi-hau_154952.html