Giáng sinh đìu hiu tại 'thánh địa của Thiên chúa giáo'

Hằng năm, cứ vào dịp Giáng sinh, tại các thành phố và địa phương ở Israel nơi có nhiều cộng đồng người theo đạo Thiên chúa sinh sống như Haifa, Nazareth, Tel Aviv, Jerusalem, Shefa Amr… lại nhộn nhịp không khí lễ hội và quang cảnh trang hoàng rực rỡ để đón ngày lễ lớn.

Bên ngoài một nhà thờ Thiên chúa giáo tại Israel ngày 23/12/2023. Ảnh: Vũ Hội (p/v TTXVN tại Israel)

Bên ngoài một nhà thờ Thiên chúa giáo tại Israel ngày 23/12/2023. Ảnh: Vũ Hội (p/v TTXVN tại Israel)

Năm nay, cuộc xung đột đang diễn ra tại Dải Gaza đã khiến không khí đón Giáng sinh trở nên tẻ nhạt và đìu hiu.

Cuộc chiến nổ ra từ ngày 7/10 đã khiến 1.200 người dân Israel và khoảng 20.000 người Palestine tại Dải Gaza thiệt mạng. Ngay từ đầu tháng 11, Giáo phận Jerusalem đã ra thông báo dừng tất cả các hoạt động lễ hội không cần thiết để bày tỏ sự ủng hộ với những số phận đau khổ trong năm nay. Trong các nhà thờ, nghi lễ chính trong đêm Giáng sinh vẫn được tiến hành nhưng sẽ không mở cửa cho các tín đồ hành hương và người dân.

Tại Jerusalem, nơi được coi là thánh địa của Thiên chúa giáo, hằng năm thường có khoảng trên 1 triệu tín đồ từ các nước hành hương đến đây, đặc biệt tập trung tại các địa điểm linh thiêng ở thành phố Jerusalem và nhất là thành phố Bethlehem ở Bờ Tây của Palestine, với nhà thờ Nativity được cho là nơi Chúa Jesus ra đời. Năm nay, tại các địa điểm này không còn những cây thông Noel, không còn các buổi hòa nhạc thánh ca, không còn các hội chợ giáng sinh hay các sự kiện ăn mừng ngoài trời. Bên ngoài các nhà thờ cũng không còn những ánh điện trang hoàng lộng lẫy. Không khí đêm trước Giáng sinh đìu hiu và vắng vẻ. Thời tiết ẩm ướt càng khiến các địa điểm công cộng thiếu vắng những dòng người vui chơi.

Cộng đồng Thiên chúa giáo chiếm gần 2% dân số Israel, trong đó người gốc Arab chiếm khoảng 75%. Năm nay, các cộng đồng người Arab theo đạo Thiên chúa tại đây quyết định không trang hoàng kỷ niệm và không dựng cây thông để thể hiện sự chia sẻ với những người Palestine đang chịu cảnh chiến tranh đau thương. Với những người có quốc tịch Israel nhưng cũng mang trong mình dòng máu của người Arab, chiến tranh là nỗi đau từ cả hai phía.

Bà Espiranza Termeh, một người Kito giáo ở thành cổ Jerusalem, nói: “Năm nay rất khác mọi năm. Năm nay xảy ra chiến tranh, nhiều người dân đau thương. Nhà thờ không tổ chức các sự kiện chào mừng. Chúng tôi chỉ đón Giáng sinh trong khuôn khổ gia đình. Chúng tôi chủ yếu sẽ ở nhà quây quần và cầu nguyện”.

Một con phố tại Khu Công giáo trong thành cổ Jerusalem ngày 23/12/2023. Ảnh: Vũ Hội (p/v TTXVN tại Israel)

Một con phố tại Khu Công giáo trong thành cổ Jerusalem ngày 23/12/2023. Ảnh: Vũ Hội (p/v TTXVN tại Israel)

Ở khu vực của người Thiên chúa giáo trong thành cổ Jerusalem, những năm trước, cứ vào dịp Giáng sinh, những con đường lát đá cổ có hàng nghìn năm tuổi đều được thắp sáng với những ánh điện đủ màu sắc. Người dân địa phương và du khách hành hương từ khắp nơi đổ về trảy hội đông đúc. Các cửa hàng bán đồ Giáng sinh và đồ lưu niệm chật kín khách. Năm nay, tất cả dường như đã biến mất. Đêm trước Giáng sinh, chỉ lác đác một vài cửa hàng còn mở và đều vắng bóng khách.

Chiến tranh cũng khiến lượng khách nước ngoài vào Israel sụt giảm, ảnh hưởng nặng nề tới lượng du khách hành hương tôn giáo. Bộ Du lịch Israel thông báo số du khách nước ngoài trong tháng 11 giảm tới 90%, xuống chỉ còn khoảng 38.000 người. Lượng du khách hành hương tới đây trong dịp Giáng sinh năm ngoái là khoảng 100.000 người.

Ngoài lo ngại về nguy cơ an toàn, du khách nước ngoài năm nay cũng gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển vì hầu hết các hãng hàng không quốc tế đã ngừng bay tới Israel. Bên cạnh đó, để có thể đến các địa điểm tôn giáo, đặc biệt là nhà thờ Chúa Giáng thế ở thành phố Bethlehem, du khách đều phải chịu sự kiểm tra gắt gao về an ninh.

Các khách sạn, cửa hiệu kinh doanh rơi vào cảnh thất thu nặng nề vì hầu như không có khách. Một người bán hàng gốc Arab ở khu của người Thiên chúa giáo thuộc thành cổ Jerusalem cho biết chiến tranh để lại tâm trạng đau buồn cho cả người dân Israel và người dân Palestine. Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, dù vắng vẻ nhưng cửa hàng của ông vẫn còn khách du lịch tới từ các vùng khác và người dân địa phương đi mua sắm. Năm nay, doanh thu của cửa hàng trong tháng 11 giảm tới 80%. Gia đình của người bán hàng này quyết định sẽ ở nhà cầu nguyện cho những người Palestine thiệt mạng trong chiến tranh.

Tại các quảng trường và khu phố đi bộ ở trung tâm thành phố Jerusalem, khu Jaffa ở Tel Aviv hay thành phố Haifa ở phía Bắc, cũng không còn những ánh đèn trang trí lấp lánh và cây thông Giáng sinh như mọi năm. Thay vào đó chỉ có những nhóm thanh niên ra ngoài tụ tập và ăn uống trong ngày cuối tuần. Ở đầu mỗi con phố là những chiếc xe cảnh sát với lực lượng an ninh thường trực làm nhiệm vụ. Không khí thời chiến và số nạn nhân chiến tranh tăng lên từng ngày khiến người dân không còn tâm trạng để đón mừng ngày lễ lớn như các năm trước.

Trong khi đó, chiến sự vẫn đang khốc liệt ở Dải Gaza và tình hình an ninh cũng đang rất căng thẳng ở Bờ Tây. Xung đột chưa có hồi kết. Các bên trung gian như Qatar, Mỹ, Ai Cập đang rất nỗ lực để có được một lệnh ngừng bắn mới, để có thêm con tin được giải thoát và có thêm viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các yêu cầu và đòi hỏi của mỗi bên hiện còn khác biệt rất lớn, khiến triển vọng ngừng bắn là rất khó khăn. Một lệnh ngừng bắn mới đạt được vào trước đêm Giáng sinh, ngày lễ tượng trưng cho hạnh phúc và hòa bình, với những người Thiên chúa giáo giờ đây giống như một phép màu.

Vũ Hội (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giang-sinh-diu-hiu-tai-thanh-dia-cua-thien-chua-giao-20231224213752817.htm