Giao cấp xã quản lý: Cần rõ ràng hơn về công tác biệt phái hiệu trưởng, hiệu phó

Dự kiến chức năng, nhiệm vụ của phòng chuyên môn cấp xã được ủng hộ, song nhiều hiệu trưởng vẫn băn khoăn về công tác biệt phái trong thời gian tới.

.t1 { text-align: justify; }

Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số công tác giáo dục được giao cho cấp xã nhận về nhiều ý kiến góp ý.

Trong đó, Thông tư quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục - đào tạo thuộc Phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bao gồm: Tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lí;

Tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.

Hiệu trưởng tin tưởng khi giao cấp xã bổ nhiệm, miễn nhiệm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng) cho rằng, việc giao nhiệm vụ tham mưu cho phòng chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác nhân sự đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý là một chủ trương hợp lý và khả thi.

Theo cô Nga, tại xã Hòa Tiến, phòng Văn hóa - Xã hội ở ủy ban xã hiện có một cán bộ từng công tác tại phòng giáo dục và đào tạo huyện, do đó rất am hiểu về nghiệp vụ và quy trình trong ngành giáo dục. Nhờ đó, các công việc liên quan đến nhân sự giáo dục đều được giải quyết một cách thuận tiện, trơn tru và không gặp khó khăn gì đáng kể. Đây là một lợi thế quan trọng trong bối cảnh phân cấp quản lý đang được đẩy mạnh xuống cơ sở.

 Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường. Ảnh: Website Trường

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phú Hường. Ảnh: Website Trường

Cô cho rằng các nhiệm vụ như công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm hay thôi giữ chức vụ đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, cũng như việc thành lập, thay đổi nhân sự hội đồng trường, nếu được giao cho phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã tham mưu thì hoàn toàn hợp lý. Bởi đây là cấp gần dân, gần cơ sở, có điều kiện thuận lợi để trực tiếp nắm bắt tình hình thực tế, tổ chức họp đánh giá, xem xét cụ thể và khách quan hơn so với khi thực hiện từ cấp huyện hoặc sở.

"Về công tác khen thưởng, kỷ luật, trước đây do cấp huyện và phòng giáo dục và đào tạo đảm nhiệm, nay giao về cho xã, xác định rõ trách nhiệm tham mưu của phòng Văn hóa - Xã hội cũng là hướng đi phù hợp. Thực tế cho thấy, cán bộ cấp xã dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin không chỉ qua hồ sơ, báo cáo mà còn từ phản ánh trực tiếp, từ phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Điều này giúp việc đánh giá khen thưởng, kỷ luật chính xác, kịp thời và sâu sát hơn", cô Nga bày tỏ.

Cô cũng nhấn mạnh rằng hiện nay cấp xã đang dần được phân cấp thêm nhiều đầu việc liên quan đến tài chính, nhân sự giáo dục. Nhờ đó, bộ máy đang dần đi vào ổn định, vận hành hiệu quả. Dù thời gian đầu có thể còn bỡ ngỡ, nhưng khi cán bộ đã quen với quy trình thì mọi việc đều sẽ trơn tru.

Về số lượng trường học trên địa bàn xã, cô Nga cho biết con số không quá lớn, chỉ khoảng dưới 10 trường từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. Do đó, việc theo dõi, đánh giá, tham mưu sẽ dễ hơn rất nhiều so với cấp huyện khi vốn phải quản lý hàng chục xã, phường. Nhờ vậy, việc xử lý các vấn đề về nhân sự đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý có thể nhanh chóng, hiệu quả và sát thực tế hơn.

Riêng đối với công tác biệt phái, cô Nga đề xuất cần xem xét kỹ lưỡng. Trong thực tiễn tại địa phương, đa phần chỉ có giáo viên được biệt phái, còn hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng rất ít khi rơi vào diện này. Ngoài ra, những nội dung xác định vai trò của phòng chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân xã cũng đang trùng với nhiệm vụ của sở giáo dục và đào tạo trong Nghị định 142/NĐ-Cp. Vì vậy cần rõ ràng trong phân quyền để tránh chồng chéo hoặc hiểu nhầm trong triển khai sau này.

Cũng tin tưởng vào hoạt động của cấp xã, thầy Nguyễn Văn Cường - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Dạng (xã Võ Lao, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: "Từ sau khi sáp nhập, công tác phối hợp giữa nhà trường và ủy ban nhân dân xã vẫn diễn ra bình thường, chưa có vướng mắc gì đáng kể. Việc sáp nhập diễn ra vào dịp hè nên công việc tại trường cũng chưa nhiều, chủ yếu là các hoạt động tổ chức cán bộ ở cấp xã".

 Thầy Nguyễn Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Dạng. Ảnh: Website Trường.

Thầy Nguyễn Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Dạng. Ảnh: Website Trường.

Với những nhiệm vụ như bổ nhiệm, bổ nhiệm lại người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu tại trường công lập, theo thầy Cường, dù hiện tại chưa triển khai thực tế nhưng thầy dự đoán, việc cán bộ phòng Văn hóa - Xã hội tham mưu cho chủ tịch ủy ban nhân dân xã đảm nhận công tác này sẽ có tính khả thi cao. Bởi lẽ ở cấp xã, các bên đều gần gũi, hiểu rõ nhau, dễ trao đổi công việc hơn so với làm việc với cấp huyện hay phòng giáo dục trước đây.

Đối với công tác khen thưởng, kỷ luật, thầy Cường cho rằng việc để cán bộ phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã tham mưu sẽ khiến việc đánh giá thực chất hơn. Trước đây, nhiệm vụ này thuộc cấp huyện, phạm vi rộng nên khó nắm sát tình hình. Nay, sau sáp nhập, mỗi xã có thể bao gồm từ 3 đến 5 đơn vị cũ, quy mô quản lý nhỏ hơn nhiều. Nếu phòng Văn hóa - Xã hội có người có chuyên môn giáo dục, cùng với việc các trường chủ động báo cáo thường xuyên thì việc nắm bắt tình hình, tham mưu kịp thời và sát thực tế là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Cần hướng dẫn thêm về công tác biệt phái

Trước khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, việc biệt phái viên chức trong ngành giáo dục, đặc biệt là hiệu trưởng, hiệu phó, thường được triển khai theo hướng biệt phái về phòng giáo dục và đào tạo để làm chuyên viên, hỗ trợ các công việc chuyên môn trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, sau khi mô hình chính quyền hai cấp được áp dụng, hoạt động của phòng giáo dục và đào tạo huyện đã kết thúc. Trước nội dung về biệt phái người đứng đầu và cấp dưới người đứng đầu được nhắc đến trong dự thảo, không ít hiệu trưởng bày tỏ sự băn khoăn.

Thầy Nguyễn Văn Cường cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể hơn, đặc biệt là đối với hiệu trưởng, hiệu phó. Trước đây, biệt phái chủ yếu là tăng cường công tác tại phòng giáo dục, nhưng nay nếu thẩm quyền phân cấp về xã thì cần làm rõ: cán bộ biệt phái sẽ về đơn vị nào, thời gian bao nhiêu, và chế độ đi kèm sẽ ra sao.

Ví dụ, nếu cán bộ biệt phái về xã, không còn đứng lớp sẽ mất khoản thu nhập từ phần trăm giờ dạy. Do đó, nếu có hình thức biệt phái kiểu bán thời gian như 3 ngày/tuần làm việc tại xã, còn lại giảng dạy tại trường thì sẽ đảm bảo hơn cho viên chức quản lý, đồng thời cần quy định cụ thể về chế độ cho viên chức để tránh thiệt thòi.

Thầy Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha (xã Púng Bánh, tỉnh Sơn La) cũng bày tỏ sự thắc mắc. Thầy chia sẻ: "Bộ máy chính quyền cấp xã hiện nay về cơ bản đã vận hành khá ổn định, tuy nhiên một số nội dung, đặc biệt liên quan đến giáo dục vẫn chưa bắt kịp được yêu cầu công việc. Cụ thể, cán bộ Phòng Văn hóa - Xã hội ở xã phải đảm nhận quá nhiều mảng, trong khi chuyên môn giáo dục lại không phải là thế mạnh.

Tại xã Púng Bánh, hiện chưa có cán bộ từng làm việc tại phòng giáo dục chuyển về phòng Văn hóa - Xã hội nên phần nào còn xa lạ với nghiệp vụ ngành giáo dục. Nếu địa phương nào có chuyên viên phòng giáo dục cũ về công tác tại xã thì chắc chắn việc vận hành sẽ trơn tru hơn”.

Về nội dung biệt phái, thầy Hiếu nêu rõ, trước đây hiệu trưởng, hiệu phó khi được biệt phái chủ yếu sẽ lên làm việc tại phòng giáo dục và đào tạo. Nhưng nay, khi các đầu mối quản lý thu gọn về cấp xã, chưa rõ liệu có triển khai biệt phái người đứng đầu hoặc cấp phó người đứng đầu trường công lập về làm việc tại phòng Văn hóa - Xã hội hay không. Nếu có, thì cần quy định rõ ràng về vị trí việc làm, nhiệm vụ và đặc biệt là chế độ, chính sách cho người biệt phái.

Thầy Hiếu phân tích: “Nếu biệt phái hiệu trưởng, hiệu phó về xã để hỗ trợ cho phòng Văn hóa - Xã hội, có thể sẽ giúp mô hình hai cấp hoạt động hiệu quả hơn, nhất là về mảng giáo dục. Nhưng cũng có một điểm cần cân nhắc, đó là vấn đề giữa viên chức và công chức. Hiện nay, hiệu trưởng, hiệu phó là viên chức. Trong khi đó, cán bộ phòng ban chuyên môn cấp xã lại là công chức. Như vậy, nếu biệt phái, sẽ chuyển từ viên chức sang công chức thì có thể không phù hợp về mặt pháp lý và hành chính”.

Ngoài những băn khoăn trên, thầy Hiếu cho rằng công tác nhân sự khác đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu cơ sở giáo dục trong phạm vi quản lý của cấp xã như: bổ nhiệm, miễn nhiệm, kéo dài thời gian công tác, khen thưởng, kỷ luật… nếu được thực hiện tại cấp xã sẽ thuận lợi hơn.

“Nếu công tác này được giao về xã, do phòng Văn hóa - Xã hội tham mưu cho chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thì sẽ hợp lý và nhanh gọn hơn nhiều. Các cán bộ xã cũng có thể đi kiểm tra đột xuất, nắm bắt tình hình thực tế rất sát”, thầy Hiếu khẳng định.

Tuy nhiên, vẫn còn đó băn khoăn, liệu cán bộ phòng Văn hóa - Xã hội có đủ sâu sát và chuyên môn để đánh giá đúng nhằm tham mưu cho cấp trên hay không? Thầy Hiếu cho rằng việc này vẫn có thể triển khai được nếu dựa vào ba nguồn thông tin chính: kết quả các đợt kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra chuyên đề, báo cáo thường kỳ từ các trường, và cuối cùng là thông tin nội bộ từ trong chính các tập thể sư phạm - nơi có thể phản ánh thực chất bầu không khí làm việc, sự đoàn kết hay những vấn đề nổi cộm cần quan tâm.

Thanh Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-cap-xa-quan-ly-can-ro-rang-hon-ve-cong-tac-biet-phai-hieu-truong-hieu-pho-post252770.gd