Giáo dục giá trị văn hóa, truyền thống đến học sinh qua lễ hội

Những năm qua, việc giáo dục giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội đến học sinh đã được các trường học trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai. Thông qua đó nhằm tạo sự gắn kết cộng đồng, giúp thế hệ trẻ hiểu biết về phong tục tập quán và nâng cao niềm tự hào về truyền thống của quê hương.

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ tham gia hoạt động nghi lễ tại Lễ hội Chùa Tiên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ tham gia hoạt động nghi lễ tại Lễ hội Chùa Tiên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Theo tìm hiểu, đến nay, 100% trường học trong tỉnh đều thực hiện giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc, văn hóa lễ hội vào giảng dạy. Việc giáo dục, tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như thông qua các bài diễn văn, bài phát biểu tại các lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, bài nói chuyện của các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, các nghệ nhân của địa phương; lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa như tổ chức cho học sinh tham quan các di tích, tham gia các hoạt động trong ngày hội truyền thống..

Có thể kể đến như tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Hằng năm, trường đều cử học sinh, đoàn viên tham gia lễ hội Chùa Tiên - lễ hội gắn với sự tích Tiên ông ra tay cứu giúp người dân trong vùng thoát khỏi nạn hạn hán. Cô Lâm Thùy Mai, Bí thư Đoàn trường cho biết: Vào ngày 18 tháng Giêng 2024 vừa qua, Đoàn trường đã cử 51 đoàn viên, thanh niên tham gia lễ rước nước, rước cờ tại lễ hội. Đây không chỉ là hoạt động ngoại khóa thông thường mà qua việc tham gia nghi lễ giúp các em hiểu thêm về truyền thống văn hóa - lịch sử của lễ hội này và của địa phương từ đó có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lạng Sơn có 280 lễ hội, trong đó có 247 lễ hội truyền thống, với trên 90% là lễ hội lồng tồng (xuống đồng). Hằng năm, để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống trên địa bàn. Qua đó đã phân loại, lập danh mục 272 lễ hội với các hoạt động cụ thể từ phần lễ đến phần hội. Nhiều lễ hội được phục dựng đã được duy trì tổ chức thường niên, thu hút đông đảo du khách mọi miền tham gia như: Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng (10 tháng Giêng); lễ hội chùa Bắc Nga (15 tháng Giêng); lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ (22 - 27 tháng Giêng); lễ hội Lồng tồng xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), lễ hội Trò Ngô xã Yên Thịnh (Hữu Lũng), lễ hội Báo Slao xã Quốc Khánh (Tràng Định)...

Mỗi lễ hội đều chứa đựng những vẻ đẹp riêng của cộng đồng dân cư, kết tinh lại thành bức tranh văn hóa, tín ngưỡng sinh động, đa màu sắc về cuộc sống của con người trên mỗi miền quê Xứ Lạng. Mặc dù mỗi trường có những cách tuyên truyền, giáo dục khác nhau nhưng tựu chung lại đều nhằm giáo dục văn hóa truyền thống đến học sinh. Tại huyện Bình Gia, toàn huyện hiện có hơn 80 lễ hội lớn, nhỏ. Ông Nông Minh Nhường, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Bình Gia có đa số đồng bào dân tộc thiểu số, người dân chủ yếu gắn bó với nghề nông nên các lễ hội tập trung chủ yếu về chủ đề lồng tồng (xuống đồng), cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Để giúp học sinh hiểu được ý nghĩa đó, ngành giáo dục huyện đã lồng ghép việc dạy, giới thiệu về lễ hội truyền thống thông qua các giờ học chương trình giáo dục địa phương, qua các buổi ngoại khóa để học sinh tìm hiểu. Từ đó giúp các em không chỉ biết mà còn có cách nhìn đúng đắn về hoạt động tổ chức lễ hội nơi mình sinh sống.

Tại huyện Hữu Lũng hiện có 28 lễ hội, trong đó có 1 lễ hội cấp huyện (lễ hội Trò Ngô, xã Yên Thịnh), các lễ hội đều có phần nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Vào dịp đầu năm mới và mùa lễ hội, các trường trên địa bàn tuyên truyền, giới thiệu về sự tích, điển tích và ý nghĩa của từng lễ hội đến học sinh. Em Vũ Hoàng Thảo Ly, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hữu Lũng cho biết: Kết thúc học kỳ I hằng năm, chúng em thường được tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tìm hiểu về văn hóa truyền thống Tết cổ truyền và các lễ hội mừng năm mới. Qua đây không chỉ giúp chúng em thêm hiểu biết về văn hóa dân tộc mà còn khơi gợi, bồi đắp và nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Tùy vào đặc điểm di tích và nhân vật được thờ phụng mà quy mô lễ hội ở mỗi vùng, mỗi xã, phường, thị trấn được tổ chức khác nhau. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Trong lễ hội, ý nghĩa của phần “lễ” không chỉ mang tính chất tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm; đồng thời giúp các em nắm và hiểu rõ hơn những kiến thức về văn hóa truyền thống của dân tộc mình và dân tộc khác. Qua đó góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, ứng xử bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê cái đẹp; đồng thời tạo nên một thế hệ có nhân cách và biết giữ gìn những tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với ý nghĩa đó, để bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội, thời gian tới các trường học tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị của các lễ hội đến học sinh. Cùng đó, tích cực mời nghệ nhân, người am hiểu các nghi lễ, các trò chơi dân gian để truyền dạy lại cho các em; đồng thời, căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế, các nhà trường tổ chức đưa học sinh đi khám phá, trải nghiệm các khu di tích cũng như tham dự các lễ hội do địa phương tổ chức...

THẢO NGUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giao-duc-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-den-hoc-sinh-qua-le-hoi-5001558.html