Giáo dục Giáo dục Thiết bị tự làm: Sát với bài giảng, tiết kiệm chi phí

.VN - Tại hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019 diễn ra từ ngày 8-12/9 ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, nhiều thiết bị tự làm đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo, trở thành những phương tiện giảng dạy hữu ích, có tính sư phạm cao, kỹ thuật tiên tiến.

Những mô hình sáng tạo

Đến từ Trường trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương, hai giáo viên Nguyễn Bá Biên và Nguyễn Thế Cương mang đến hội thi mô hình công nghệ thủy canh. Mô hình được thiết kế theo mô phỏng giống với các vườn thủy canh thực tế, đảm bảo giáo viên và học sinh có thể thực hành kỹ năng trực tiếp trên mô hình giống như đang làm việc trong những trang trại thủy canh lớn và hiện đại. Mô hình hoàn chỉnh là sự tích hợp các mô hình nhỏ trên cùng một hệ thống, như: Trồng cây bằng ánh sáng nhân tạo, thủy canh màng mỏng dinh dưỡng, thủy canh trên giá thể. Hệ thống điều khiển được thiết kế hiện đại: Điều khiển trên màn hình cảm ứng HMI, điều khiển thông qua tin nhắn, trên web server.

Nhiều thiết bị tự làm tại hội thi có tính ứng dụng cao

Nhiều thiết bị tự làm tại hội thi có tính ứng dụng cao

Đây là thiết bị dạy học đã được sử dụng và khai thác có hiệu quả tại Khoa Nông nghiệp của trường, giúp học sinh và giáo viên dễ dàng nhận biết, mô tả các hiện tượng trao đổi nước và ảnh hưởng của chế độ nước đến quá trình quang hợp của cây trồng. Trên mô hình, học sinh và giáo viên cũng dễ dàng thực hành kỹ năng điều chỉnh nồng độ, hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với từng loại cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng.

Thầy giáo Nguyễn Bá Biên cho hay: “Trong điều kiện nhà trường còn thiếu trang thiết bị dạy học, một số thiết bị mua về chưa đạt ý đồ sư phạm của giáo viên, chưa ứng dụng được cho nhiều bài học, giá thành lại cao thì thiết bị này tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội tiếp cận các kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao theo xu hướng hiện đại, tự động hóa trong nông nghiệp tiến đến nông nghiệp thông minh”.

Để tham gia hội thi, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Ngọc và Mai Thị Đoan Thanh, Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng mất hơn 6 tháng sáng tạo mô hình điều khiển thiết bị tự động cảnh báo. Mô hình được ứng dụng để hỗ trợ giảng dạy các mô đun, môn học theo chương trình đào tạo của nghề kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp.

Theo giảng viên Mai Thị Đoan Thanh, mô hình giúp sinh viên tự tin hơn về đấu nối và lắp đặt thiết bị tự động điều khiển, hạn chế hư hỏng, giảm được vật tư tiêu hao trong quá trình thực hành. Việc kết hợp công nghệ và thay đổi phương pháp học thực hành giúp sinh viên hứng thú trong quá trình học tập.

Phần cứng của mô hình gồm có những thiết bị lắp đặt cho ngôi nhà thông minh, như: đèn và chuông báo, công tắc không dây, bộ điều khiển cửa, rèm, bộ điều khiển quạt, trung tâm báo động camera quan sát, điều khiển bằng giọng nói… Người dùng có thể điều khiển tự động quạt, đèn, camera, báo cháy… bằng ứng dụng trên điện thoại hoặc trên máy tính qua màn hình cảm ứng. Thiết bị còn trang bị tương tác với kính thực tế ảo, giúp người học hiểu rõ hơn về sự liên hệ giữa bản vẽ thiết kế và môi trường lắp đặt thực tế thông qua kính thực tế ảo kết hợp với môi trường minh họa 3D, thay vì phải xây một ngôi nhà thật.

Ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí

Với sự tham gia của 396 thiết bị của 216 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến từ 58 tỉnh, thành phố, hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019 do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức có số lượng đoàn tham gia đông nhất từ trước đến nay.

Mô hình công nghệ thủy canh của Trường trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương

Mô hình công nghệ thủy canh của Trường trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương

Theo đánh giá của ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN, Trưởng Ban Tổ chức hội thi, các thiết bị tham gia hội thi đều có tính ứng dụng cao, sát với thực tế bài giảng. Nhiều sáng tạo thiết bị phù hợp với điều kiện đời sống thực tiễn của địa phương, ứng dụng khoa học công nghệ thời kỳ 4.0. Một số thiết bị gắn với thực tiễn, được sản xuất đưa ra thị trường chứ không chỉ áp dụng trong dạy học.

Ông Khánh cho biết, hội thi thiết bị đào tạo tự làm là cơ hội để đội ngũ giáo viên, học sinh và sinh viên phát huy trí tuệ, sức sáng tạo trong việc tạo nên các thiết bị đào tạo có chất lượng phù hợp với chương trình, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào thực tiễn dạy và học. Một thiết bị tự làm có thể đáp ứng nhiều bài giảng khác nhau, tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị.

Hiện còn một số cơ sở GDNN có số giờ thực tập thấp, tỷ lệ học sinh, sinh viên trên một thiết bị đào tạo còn cao, ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy cũng như việc rèn luyện kỹ năng cho người học. Vì vậy, việc tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo trở thành nhiệm vụ quan trọng, hàng năm cung cấp một số lượng đáng kể thiết bị đào tạo, không chỉ được sử dụng tại trường mình mà còn có thể cung cấp cho nhiều cơ sở GDNN khác, góp phần giảm áp lực đầu tư ngân sách cho GDNN. Hội thi sẽ lựa chọn các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng để phổ biến nhân rộng cho các cơ sở GDNN trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Bộ LĐTBXH luôn mong muốn thông qua các kỳ thi sẽ lựa chọn được thiết bị có tính sư phạm, tính khoa học, kỹ thuật và sáng tạo, tính ứng dụng cao để tôn vinh đưa vào sử dụng trong phạm vi cả nước. Đồng thời, Tổng cục GDNN cũng cần nghiên cứu tạo ra cơ chế phù hợp để thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị đào tạo ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn. Xem xét việc hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ tự sản xuất thiết bị đào tạo, có chính sách để các thiết bị đạt giải cao trong các hội thi toàn quốc có chỗ đứng trong các cơ sở GDNN cũng như có chính sách khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo, tự chế thiết bị đào tạo... thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở GDNN”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/thiet-bi-tu-lam-sat-voi-bai-giang-tiet-kiem-chi-phi-a77168.html