Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là việc cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp các em chủ động hơn trong cuộc sống, hình thành những suy nghĩ đúng đắn, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, sức khỏe sinh sản vị thành niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Giáo dục kỹ năng sống tại Trường tiểu học Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.

Giáo dục kỹ năng sống tại Trường tiểu học Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 509 trường học, với trên 370.000 học sinh. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường học tổ chức 12 lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên về phương pháp, hình thức dạy học lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, bài học trong chương trình, như: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Lịch sử - Địa lý ở cấp tiểu học; Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân ở cấp THCS. Các trường học tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về Luật Giao thông đường bộ; kỹ năng phòng, chống cháy nổ; buôn bán phụ nữ, trẻ em; ma túy; bạo lực học đường; phòng chống đuối nước; bảo vệ rừng; xây dựng cổng trường an toàn.

Đối với học sinh bán trú, các trường học khuyến khích, tạo điều kiện cho các em tự xây dựng nền nếp, nội quy của phòng ở nội trú, phân công cho các thành viên trong công tác vệ sinh nội trú. Các em học sinh lớp trên có trách nhiệm giúp đỡ, quan tâm hướng dẫn cho học sinh các lớp dưới trong học tập, sinh hoạt và tham gia các hoạt động tập thể. Nhiều trường học chú trọng xây dựng cảnh quan sư phạm đảm bảo xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện. Đồng thời, tổ chức tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện bữa ăn nội trú, giáo dục học sinh tinh thần yêu lao động. Thành lập các câu lạc bộ sở thích tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, chống tảo hôn, bạo lực học đường, xây dựng tủ sách kỹ năng sống, thư viện xanh ngoài trời. Giai đoạn 2020-2023, các địa phương, cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tổ chức trên 1.500 chuyên đề giáo dục kỹ năng sống và duy trì hoạt động hiệu quả 2.232 đôi bạn cùng tiến, 345 câu lạc bộ học tập, 417 câu lạc bộ sở thích, 204 câu lạc bộ kỹ năng tại các trường học.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường học có vai trò quan trọng của tổ chức đoàn, hội, thu hút học sinh, sinh viên tham gia. Chị Cà Hoa Ban, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Sơn La, cho biết: Ban Chấp hành Đoàn trường luôn tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội sáng tạo, thực hành, trải nghiệm thông qua các hoạt động đoàn, hoạt động ngoại khóa, để các em mạnh dạn, tự tin hoàn thiện bản thân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lẽ sống của thanh niên trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thanh niên với vấn đề lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt, giáo dục kĩ năng sống còn được nhà trường thực hiện thông qua hoạt động xã hội, thiện nguyện, nhân đạo, góp phần bồi dưỡng và phát triển nhân cách, giáo dục học sinh biết đồng cảm, chia sẻ yêu thương, kết nối cộng đồng.

Trường tiểu học Chiềng Hặc, huyện Yên Châu được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch sẽ; khuôn viên rộng rãi với những thảm cỏ được cắt tỉa gọn gàng; vườn hoa, vườn rau tươi tốt bởi được chăm sóc thường xuyên. Như nhiều học sinh khác, em Hà Bảo Trân, lớp 5A, đã biết trồng, chăm sóc rau, hoa, cây cảnh từ khi học lớp 3. Sau những buổi học chiều, em cùng các bạn nhổ cỏ, tưới nước cho những luống rau xanh. Em Trân nói: Hằng ngày, đến giờ giải lao, chúng em dành thời gian chăm sóc bồn hoa, cây cảnh của lớp mình phụ trách; mỗi tuần 1 tổ trực nhật tham gia quét dọn, vệ sinh sân trường, chăm sóc vườn hoa. Qua các hoạt động này, chúng em biết giữ gìn vệ sinh môi trường, cùng chung tay xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân, Trường tiểu học Chiềng Hặc, thông tin: Học sinh hầu hết sinh ra, lớn lên ở nông thôn, sớm quen với ruộng đồng nên việc làm vườn đối với các em không gặp nhiều trở ngại. Năm học 2023-2024, trường có gần 300 học sinh ở 5 khối lớp. Trường phân công các thầy, cô giáo quản lý, kèm cặp, hướng dẫn học sinh kỹ năng sinh hoạt hằng ngày; theo dõi, nắm bắt tính cách, khó khăn của học sinh để động viên, giúp đỡ kịp thời. Nhờ sự sát sao, tâm huyết của các thầy cô nên học sinh đã làm quen, bắt nhịp với môi trường học tập, tự giác trong học tập và sinh hoạt. Cha mẹ học sinh cũng yên tâm, tin tưởng khi gửi gắm con em mình tại trường.

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành Giáo dục và Đào tạo, gia đình cũng là môi trường quan trọng để các em phát triển kỹ năng sống đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt, phát triển toàn diện, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/giao-duc-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-SuHog2DIR.html