Giáo dục là quốc sách hàng đầu
Sáng 25-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dự thảo luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vai trò, vị thế nhà giáo và việc hoàn thiện pháp luật về nhà giáo; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Theo đánh giá, dự án Luật Nhà giáo đã xây dựng các quy định về chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo nhằm thu hút, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Dự thảo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy tính chất công việc, theo vùng theo quy định pháp luật”. Đây là tín hiệu không có gì vui hơn đối với khoảng 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước hiện nay.
Hiện lao động của nhà giáo đang được điều chỉnh bằng Luật Công chức, Luật Viên chức, nhưng những luật này chỉ đề cập đến công chức, viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù nghề nghiệp nhà giáo. Các luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Giáo dục nghề nghiệp đều có các chương quy định về nhà giáo, nhưng cũng chỉ đề cập mang tính chung chung, chưa cụ thể, trong đó có không ít quy định chưa đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng về đội ngũ nhà giáo. Theo kết quả đánh giá, tổng kết thực trạng thi hành pháp luật về nhà giáo những năm qua, bên cạnh kết quả đạt được, đội ngũ nhà giáo và công tác phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần thiết phải có một luật riêng để giải quyết.
Thực tế cũng cho thấy, hiện vẫn còn một bộ phận giáo viên không đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển năng lực học sinh; biên chế việc làm, thu nhập, đời sống khó khăn nên một bộ phận thầy cô phải dạy thêm, làm thêm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ dạy học… Cá biệt, vì lợi ích trước mắt, có không ít thầy cô bị xuống cấp về mặt đạo đức nghiêm trọng. Và, muốn giải quyết thấu đáo những tồn tại này cũng đòi hỏi phải có một luật riêng đối với nhà giáo.
Nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp giáo dục của mỗi quốc gia. Do đó, bên cạnh những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì các quy định pháp luật về vị trí pháp lý của nhà giáo là vô cùng cấp bách và cần thiết. Nhất là các nội dung về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, cơ chế đảm bảo thực thi các quyền và nghĩa vụ đó phải được rõ ràng, cụ thể trong văn bản pháp luật. Qua đó, tạo tiền đề cho mỗi nhà giáo tiếp nhận và tự bảo vệ quyền cũng như tuân thủ nghiêm các nghĩa vụ theo luật định, góp phần hoàn thành sứ mệnh to lớn của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Chính vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhà giáo. Đồng thời khẳng định “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Việc làm này còn là động lực giúp nhà giáo yên tâm giảng dạy, cống hiến và phát triển nghề nghiệp cũng như thu hút nhà giáo có tài năng về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, nhất là giáo dục ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163193/giao-duc-la-quoc-sach-hang-dau