Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ từ những giá trị lịch sử

Để những 'thiên sử vàng' chói lọi của dân tộc luôn được trân trọng, gìn giữ, phát huy cùng năm tháng, các cấp, các ngành và các nhà trường đã, đang quan tâm làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng.

Cô, trò Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc) tham quan, tìm hiểu Di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm).

Cô, trò Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc) tham quan, tìm hiểu Di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm).

Huyện Hoằng Hóa là địa phương có hàng chục di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng như Bảng Môn Đình, đền thờ Trạng Quỳnh (xã Hoằng Lộc); đền thờ Tô Hiến Thành (xã Hoằng Tiến); cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo); cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng)... Đây là những địa danh ý nghĩa, là nguồn “tư liệu” vô giá, là “giáo cụ trực quan” thiết thực để ngành giáo dục huyện Hoằng Hóa đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh (HS). Theo thống kê, mỗi năm, các trường học trên địa bàn huyện Hoằng Hóa tổ chức cho hàng nghìn lượt HS tham gia hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp các em hiểu sâu sắc về những giá trị lịch sử và truyền thống cách mạng của quê hương; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoằng Hóa cho biết, cùng với việc tổ chức cho HS tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, thực hiện chỉ đạo của phòng giáo dục, ngay từ đầu năm học, các trường trên địa bàn huyện đều xây dựng kế hoạch lồng ghép việc giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương cho HS thông qua các môn học chính khóa như: Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân... Trong quá trình giảng dạy yêu cầu giáo viên chuẩn bị nguồn tư liệu lịch sử đảm bảo tính khoa học, có chọn lọc, sinh động, phù hợp với từng đối tượng HS, giúp các em hiểu rõ lịch sử hình thành, phát triển và những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước.

Tại nhiều địa phương khác cũng vậy, bên cạnh việc truyền thụ tri thức, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cũng được các nhà trường chú trọng nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ. Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc), để HS hiểu rõ những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của ông cha, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với nhiều chủ đề khác nhau như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”... Đặc biệt, nhà trường đã lựa chọn Di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm) làm địa điểm để tổ chức lễ kết nạp Đoàn cho HS hằng năm và nhiều hoạt động khác của Đoàn trường. Qua đó giúp HS hiểu sâu sắc truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương. Đồng thời, nhắc nhở các em giữ gìn và phát huy truyền thống, nỗ lực học tập, rèn luyện đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đánh giá của ngành giáo dục, việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho HS chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử. Thực tế đã minh chứng, không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương...

Cùng với ngành giáo dục, nhiều năm qua, các cấp hội cựu chiến binh (CCB); Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Ví như, mỗi khi đến ngày kỷ niệm lớn như Hàm Rồng chiến thắng, Điện Biên Phủ lịch sử, Đại thắng mùa xuân 1975 hay ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam..., các em HS của nhiều trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa lại háo hức nghe các cô, các bác CCB kể lại những câu chuyện chiến trường. Với ngôn ngữ kể chuyện giản dị, trong sáng, dẫn chứng, phân tích thuyết phục, các buổi nói chuyện truyền thống của các CCB đã đưa các em HS ngược dòng lịch sử trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Tại huyện Hà Trung, Hội CCB huyện cũng đã thành lập tổ báo cáo viên là những nhân chứng lịch sử, có thành tích trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tâm huyết và trách nhiệm để giáo dục cho tuổi trẻ huyện nhà những giá trị to lớn về lịch sử dân tộc thông qua các buổi nói chuyện truyền thống, gặp mặt thanh niên lên đường nhập ngũ... Theo thống kê, từ 2019 đến hết năm 2024, các cấp Hội CCB huyện Hà Trung đã tổ chức được 132 buổi giáo dục truyền thống với 26.217 lượt người tham gia. Ngoài những câu chuyện về lịch sử, các CCB còn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội... cho đoàn viên, thanh niên và các em HS.

Được biết, thực hiện chương trình phối hợp “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giữa Hội CCB và Tỉnh đoàn Thanh Hóa, 5 năm gần đây, các cấp hội CCB trong tỉnh đã tổ chức được 1.522 buổi nói chuyện truyền thống với 288.145 lượt đoàn viên, thanh niên, HS, sinh viên tham gia. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế, qua từng câu chuyện cụ thể, các CCB - những người từng trực tiếp chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc đã, đang bồi đắp lý tưởng cách mạng, giúp thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy trong thời đại mới.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc-truyen-thong-cho-the-he-tre-nbsp-tu-nhung-gia-tri-lich-su-248357.htm