Đặt tên đừng chỉ nhìn bản đồ, hãy 'nghe đất', nghe dân...
Đồng tình với những quan điểm, góc nhìn mà Văn Hóa đặt ra trong loạt bài, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và cộng đồng bày tỏ sự quan tâm đến việc đặt tên đơn vị hành chính sau khi sáp nhập cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm chọn lựa được những cái tên lưu giữ được bản sắc văn hóa, trầm tích của vùng đất.
Gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa khi đặt tên sau sáp nhập (Bài 3): Giữ hồn quê trong diện mạo mớiGìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa khi đặt tên sau sáp nhập (Bài 2): Bùi ngùi lắm chứ, nhưng vẫn có niềm tin...Gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa khi đặt tên sau sáp nhập (Bài 1): Danh xưng và bản sắc

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính có thể sẽ tạo ra các không gian văn hóa mới đa dạng và phong phú hơn. Ảnh: MINH ĐƯỜNG
“Cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, giới trí thức”
Nhằm tránh nhiều nhất những xung đột tạo nên “cú sốc” hay tổn thương đối với cộng đồng cần cố gắng lựa chọn và giữ lại được những tên địa danh có bề dày lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với vùng đất, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đó cũng là cách để giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử cho thế hệ sau. Đặc biệt, những cái tên đã đi vào văn chương, thơ ca, lịch sử như làng hoa Ngọc Hà, Hồ Tây, Hoàn Kiếm, Đống Đa… rất cần thiết phải giữ.

Việc ghép chữ từ những tên gọi cũ để tạo nên một danh xưng mới thực chất không có ý nghĩa gì, không gắn với truyền thống của từng vùng đất. Cho nên, trong 3-4 xã, phường sáp nhập, cần nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn một tên gọi có bề dày nhất, có độ phổ quát và yếu tố văn hóa đậm đặc nhất.
Tuy nhiên, vẫn thừa nhận rằng đặt tên sau sáp nhập vẫn là bài toán cực kỳ khó, đặc biệt với những vùng đất vốn có nhiều tên gọi đều gắn liền với những trầm tích văn hóa. Trong quá trình này, việc lắng nghe, tôn trọng ý kiến cộng đồng là điều cần thiết, nhưng trên thực tế, xã nào, làng nào cũng mong muốn giữ lại tên gọi của mình.
Tôi cho rằng, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý, giới trí thức địa phương với khung tiêu chí nhấn mạnh các yếu tố như tên gọi gắn với bề dày truyền thống văn hóa; các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc; các làng nghề truyền thống...
Thời gian qua đã có một số địa phương đi đầu và thành công khi lựa chọn những tên gọi gắn với lịch sử, văn hóa, được nhân dân ủng hộ. Phải thấy rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính này đang diễn ra rất nhanh, nhưng cũng không thể vội mà cần đầu tư thời gian, trí tuệ của cả xã hội, nhất là của giới trí thức địa phương để có được phương án tối ưu, giữ được những cái tên mang chiều sâu, bền vững, tạo sự đồng thuận.
Đặc biệt, ở những vùng miền chứa đựng yếu tố “nhạy cảm” về các vùng văn hóa, đòi hỏi lãnh đạo địa phương cần chú trọng những chỉ dấu về bản sắc văn hóa tộc người.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đất nước là quê hương. Quá trình sáp nhập địa giới hành chính là hướng tới mục tiêu vì sự phát triển của đất nước. Phải khắc phục tâm lý “tỉnh anh, tỉnh tôi, xã anh, xã tôi” để hướng đến cái chung, tìm kiếm giải pháp dung hòa, nhấn mạnh tiêu chí vì sự tiến bộ, phát triển…
(GS.TS TỪ THỊ LOAN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long)
“Địa danh sẽ kết nối, kiến tạo giá trị truyền thống”

Địa danh luôn chứa đựng nhiều lớp trầm tích địa dư, thổ sản, lịch sửvà văn hóa của cộng đồng. Trong lịch sử, địa danh hành chính đã từng có nhiều thay đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống qua mỗi thời kỳ, với sự chọn lựa đạt được đồng thuận cao nhất. Tất cả điều đó nhằm phản ánh thực tiễn và thể hiện khát vọng cao cả, thiêng liêng của cộng đồng.
Với tinh thần đó, địa danh hành chính mãi luôn chuyển tải, mang trong mình những giá trị bất biến và qua thời gian, nó lại tiếp tục được bồi đắp thêm giá trị thực tiễn, tính thiêng mang đậm hồn cốt riêng có của mỗi một vùng đất, trong tương quan so sánh với các địa phương khác trong vùng.
Theo tôi, qua đợt cải cách đặc biệt quy mô hiện nay, có thể có lớp địa danh mất đi nhưng đáng chú ý là dấu ấn lịch sử và văn hóa của đất nước, của vùng miền và từng địa phương lại có cơ hội được “định danh” trở lại.
Như trường hợp tên Hóa Châu từ thời Trần mở cõi, hay dấu ấn vùng đất đỏ Đan Điền, rồi Quảng Điền khi “phá Tam Giang ngày rày đã cạn”, cùng với Kim Trà, Hương Trà, rồi Thuận Hóa, Phú Xuân… ở vùng Huế vang danh một thuở.
Trong kết cấu và nguyên tắc kiến tạo địa danh, những giá trị và ý nghĩa tự thân của nó sẽ làm nên tính thiêng liêng, cao quý, sự thống nhất, ngắn gọn sẽ mang lại những tiện ích thiết thực trong đời sống cộng đồng.
Đó chính là nền tảng căn bản cho sức sống của một địa danh hành chính. Sự chọn lựa và tự quyết của cộng đồng cần được tôn trọng bởi luận chứng, luận cứ được đưa ra và chọn lựa, với tinh thần chuyển tải những thông điệp cao quý về địa dư, thổ sản và quá trình lịch sử, dấu ấn văn hóa đặc trưng.
Mỗi cái tên xã, phường mới sẽ tiếp tục được cộng đồng “thổi hồn” để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của một địa danh hành chính trên nền tảng kết nối mạch nguồn truyền thống và tiếp tục kiến tạo hình ảnh, giá trị của từng địa danh trong đời sống hiện đại, mang lại giá trị cốt lõi trên nhiều phương diện.
(TS TRẦN ĐÌNH HẰNG, Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung)
“Bảo tồn ký ức qua tên gọi các thiết chế văn hóa…”

Cách đặt tên đơn vị hành chính sau sáp nhập không chỉ là việc định danh thuần túy, càng không thể là sự thỏa hiệp giản đơn giữa các phương án hành chính. Đó là quá trình kiến tạo biểu tượng, thương hiệu, nơi hội tụ của quá khứ, hiện tại và tương lai một vùng đất.
Một cái tên nếu được lựa chọn đúng, không chỉ khơi gợi niềm tự hào của người dân, mà còn mở đường cho những chiến lược phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế trong dài hạn bởi các thương hiệu.
Theo tôi, những địa danh lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh… đã trở thành thương hiệu trong nước và quốc tế, bằng cách nào đó cần phải giữ lại.
Đặt tên một xã, một phường, một vùng đất là đặt nền móng cho bản sắc và ký ức cộng đồng. Hiện nay, có nhiều nơi ghép nhiều tên vào nhau để ra một tên mới, có nơi chính thống hóa địa danh dân gian, có nơi lấy lại các tên cổ, có nơi lại lấy tên huyện thị cũ rồi kết hợp với số thứ tự để đặt tên mới, có nơi đặt tên theo hướng…
Nhưng dù thế nào, tên gọi không thể chỉ để dễ quản lý hay thuận tiện hành chính. Nó phải chạm tới chiều sâu văn hóa, lịch sử và cả khát vọng tương lai của nhân dân.
Muốn như vậy, trước hết phải tôn trọng sự tham gia của người dân và cần một hành lang pháp lý rõ ràng, bài bản. Không có bản sắc, sẽ không có động lực nội sinh để phát triển bền vững.
Trong cuốn sách Câu chuyện địa danh học và địa danh dân gian Việt Nam, tôi từng đề cập, địa danh dân gian là tài sản tinh thần của nhân dân. Vì thế, trong trường hợp không thể giữ lại đầy đủ các địa danh cũ, để “bảo tồn địa danh phi hành chính”, bảo tồn ký ức, tên gọi quen thuộc trong đời sống văn hóa hiện tại có thể lưu giữ, đặt tên trong thiết chế văn hóa tại địa phương.
Các bảng tên làng, nhà văn hóa, trường học, bản đồ truyền thống, bản đồ văn hóa số, sách địa chí… sẽ là nơi người dân tiếp tục sống với địa danh cũ.
Việc thay đổi tên xã, phường sau sáp nhập trên quy mô toàn quốc không thể có một quy tắc chung, vì có thể quy tắc đó đúng với nơi này, không đúng với nơi khác nhưng nên cân nhắc kỹ để đưa ra phương án tối ưu.
Có mấy yếu tố mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là tên đất, tên làng, tên xã gắn với truyền thống, lịch sử, văn hóa và vị trí địa lý của mỗi vùng đất nên khi đặt tên sau sáp nhập cần có sự linh hoạt, có tính kế thừa và có sự đồng thuận giữa chính quyền với người dân.
Ngoài lấy ý kiến của dân cũng nên đưa ra nhiều phương án và tham vấn ý kiến chuyên môn của các chuyên gia (địa danh học, lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa) để chọn cái tên đẹp nhất, ý nghĩa nhất.
Tên hành chính là để gọi, nhưng tên làng, tên xã là để sống cả đời. Đặt một cái tên, đừng chỉ nhìn bản đồ, đừng bất cẩn, hãy lắng nghe đất, lắng nghe dân.
(Nhà nghiên cứu văn hóa CAO VĂN CHƯ)
“Sử dụng ưu thế của những tên gọi vào phát triển xã hội…”

Việc đặt tên cho các phường, xã mới trong đợt sáp nhập lần này nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Nhiều địa phương đã chủ động khai thác giá trị lịch sử, văn hóa để đặt tên, tạo nên những địa danh mang chiều sâu văn hóa, góp phần gìn giữ bản sắc vùng miền. Đây là những tên gọi có bề dày lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của từng địa phương.
Tại TP.HCM, điều này thể hiện rõ qua các địa danh như Bến Thành, Phú Thọ; Nhiêu Lộc, Bảy Hiền, Thủ Đức, Cầu Ông Lãnh; Xóm Chiếu, Vườn Lài, Cầu Kiệu; hay những tên đã rất quen thuộc như Tân Định, An Đông, Tân Sơn Nhất, Khánh Hội, Bình Tây, Phú Nhuận, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Gò Vấp…
Tỉnh Quảng Nam lấy tên các con sông lớn trong tỉnh để đặt tên như Thu Bồn, Vu Gia, Bàn Thạch, vừa gần gũi với đời sống dân cư, vừa giàu giá trị biểu tượng.
Thủ đô Hà Nội cũng ưu tiên chọn những địa danh đã ăn sâu vào tâm thức người dân cả nước để đặt tên cho các phường như Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Ngọc Hà, Hai Bà Trưng, Ba Vì…
Ưu điểm của cách đặt tên đơn vị hành chính lần này là làm phong phú hệ thống địa danh nước ta với những tên gọi có giá trị, đã được khẳng định trong tâm thức người dân qua bao đời. So với các giai đoạn trước đây, nó thật sự đa dạng, thể hiện qua nhiều phương thức đặt tên, sử dụng nhiều “chất liệu” dân gian đã qua thử thách.
Có thể sử dụng những ưu thế đó vào việc phát triển trong đời sống xã hội hiện nay. Từ giáo dục truyền thống lịch sử địa phương gắn với nhân vật, sự kiện, di tích; giới thiệu những giá trị văn hóa qua các sản vật, ngành nghề địa phương, thắng cảnh.
Cá chìa vôi Nhà Bè, gốm Lái Thiêu, tràm chim Tam Nông… là những ví dụ cho thấy địa danh có thể trở thành “nhãn hiệu văn hóa” gắn liền với sản phẩm, dịch vụ và thậm chí cả hình ảnh vùng đất trong lòng du khách.
Chúng ta sẽ tự hào với một bản đồ Việt Nam được ghi dấu bằng những địa danh đã được sàng lọc qua thời gian và nó cũng là một vốn quý trên hành trình đi đến tương lai của đất nước.
(Nhà nghiên cứu NGUYỄN THANH LỢI)
“Việc chuyển đổi cần có chiến lược truyền thông bài bản”

Trong quá trình sáp nhập và đặt tên xã, phường cần hết sức cẩn trọng, đặt yếu tố văn hóa và sự đồng thuận của người dân làm trung tâm. Dù khó thể đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, nhưng khi người dân được lắng nghe và tôn trọng, họ sẽ gắn bó hơn với vùng đất, sống và làm việc tốt hơn trong không gian văn hóa quen thuộc của mình.
Cần có giải pháp hài hòa, không xóa nhòa tên gọi cũ một cách vội vàng; cân nhắc duy trì song song cả tên gọi mới và cũ trong giai đoạn đầu để người dân có thời gian làm quen.
Việc chuyển đổi cần có chiến lược truyền thông bài bản, mềm mỏng nhưng hiệu quả, giúp người dân hiểu được lý do đổi tên, đồng thời vẫn giữ được sự gắn bó với ký ức địa phương.
Đặc biệt với du khách trong và ngoài nước, cách làm này cũng giúp họ không bị lạc lõng khi tìm về một địa danh đã quen thuộc trong bản đồ du lịch.
Một số tên địa danh đã trở thành biểu tượng văn hóa, như Ngã Bảy, chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều,… thì cần được gìn giữ như những di sản ký ức, vừa để tôn vinh bản sắc địa phương, vừa là yếu tố phát triển du lịch đặc thù của vùng. Đây không chỉ là chuyện tên gọi, mà còn là câu chuyện giữ lại linh hồn cho vùng đất.
Theo tôi, việc quảng bá và truyền thông cho những tên gọi sau sáp nhập, không thể tách rời khỏi văn hóa bản địa. Chúng ta cần tận dụng văn học nghệ thuật, âm nhạc dân gian, ca dao, hò đối đáp và cả những sản phẩm đặc trưng vùng miền… để đưa tên gọi mới đi vào đời sống một cách tự nhiên và sâu sắc.
Khi một cái tên gắn được vào lòng người bằng âm thanh, hình ảnh, bằng món ăn, bằng câu hát… thì nó mới thật sự sống.
Khi chúng ta dung hòa giữa phát triển hiện đại và gìn giữ ký ức cộng đồng, giữa đổi mới hành chính và tôn trọng bản sắc, thì việc đổi tên địa danh sau sáp nhập không chỉ không gây xáo trộn, mà còn là cơ hội để tái khẳng định sự giàu có về văn hóa của từng vùng đất quê hương.