Giáo dục truyền thống qua di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh

Bảo tàng tỉnh Nam Định hiện có khoảng 25 nghìn hiện vật, trong đó hơn 2.000 hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa được chọn lọc, trưng bày; năm 2021 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) xếp hạng I trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã trở thành một trong những thiết chế văn hóa quan trọng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống của công chúng.

Học sinh tham quan tìm hiểu lịch sử truyền thống tại Bảo tàng tỉnh.

Học sinh tham quan tìm hiểu lịch sử truyền thống tại Bảo tàng tỉnh.

Thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, từ năm 2016, Sở VH, TT và DL, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức ký kết các văn bản phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh. Triển khai thực hiện, nhiều trường ở các cấp học đã đăng ký các chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh như tổ chức các trò chơi dân gian; hướng dẫn các em tham quan, học tập các nội dung trưng bày về lịch sử tỉnh Nam Định với các chủ đề: “Nam Định - Mảnh đất ghi đậm dấu ấn người Việt cổ”, “Văn hóa thời Lý trên đất Nam Định”, “Hành cung Thiên Trường qua hệ thống di sản văn hóa thời Trần”, “Sưu tập hiện vật thời Lê, Nguyễn”, “Dấu ấn Thành Nam xưa”, “Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định”, “Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Những trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng tỉnh đã giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung kiến thức lịch sử hỗ trợ các bài học trên sách vở. Vừa qua, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức thành công chương trình giáo dục với chủ đề “Em yêu chú bộ đội” đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Nam Định, tiêu biểu như Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành; các trường mầm non: Midori, Nam Vân, 1/6… Tham gia chương trình, các em nhỏ được tìm hiểu khái quát về lịch sử mảnh đất và con người Nam Định; trong đó, tìm hiểu về cuộc sống, chiến đấu của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thông qua trưng bày chuyên đề “Những kỷ vật đi cùng năm tháng”. Đặc biệt, trong dịp này, các em đã được ôn lại những chiến công hào hùng qua cuộc trò chuyện với ông Hoàng Dương Chương - “Dũng sĩ diệt cá sấu” tại chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Tổ chức chương trình học tập ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà trường. Đến với Bảo tàng tỉnh, các thầy, cô giáo, các em học sinh thêm trân trọng và biết ơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước để “đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do” như ngày hôm nay”.

Cùng với các chương trình giáo dục chuyên đề, nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức các chương trình giáo dục đa dạng như: tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và đương đại; biểu diễn văn hóa phi vật thể múa rối nước, hát Chầu văn, hát Xẩm... Các hoạt động tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; thi tìm hiểu phong tục Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, tổ chức hoạt động chợ quê ngày Tết... Tổ chức các tiết học lịch sử, mỹ thuật tại bảo tàng. Nhờ các cách làm đồng bộ, hiệu quả, Bảo tàng tỉnh là địa chỉ quen thuộc để các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Theo thống kê của Bảo tàng Nam Định, trung bình mỗi năm có 12 nghìn lượt khách tham quan từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hoàng Văn Cương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của các tổ chức, cá nhân, nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh đã đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm tạo dấu ấn và thu hút khách tham quan. Hoạt động xã hội hóa hiến tặng tài liệu, hiện vật được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, qua đó làm “giàu” thêm hiện vật cho Bảo tàng. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh đã quan tâm đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động nghiệp vụ. Các phòng trưng bày được bổ sung những phương tiện tiên tiến như: Màn hình cảm ứng, ti vi chiếu phim tư liệu, máy chiếu…

Đặc biệt, để phục vụ người dân chưa có điều kiện đến trực tiếp tham quan, Bảo tàng đã thành lập Trang thông tin điện tử “baotangtinhnamdinh.vn” với giao diện bắt mắt, dễ sử dụng, đa dạng chuyên mục và nội dung đến nay đã thu hút hàng nghìn lượt truy cập. Truy cập trang web, độc giả được bổ sung những thông tin súc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, những đoạn video clip minh họa sinh động. Ngoài cung cấp các thông tin về hoạt động bảo tàng, website “baotangtinhnamdinh.vn” còn tích hợp ứng dụng tham quan bảo tàng ảo 3D. Với công nghệ này, người dùng chỉ cần truy cập vào địa chỉ trang web, chọn mục “Trưng bày/tham quan 3D” rồi click chuột theo hướng dẫn có sẵn để thưởng lãm toàn bộ không gian bảo tàng và tìm hiểu về từng khu vực trưng bày hiện vật. Bảo tàng ảo 3D còn cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như facebook, twitter nhằm kết nối những người quan tâm đến bảo tàng. Với hình thức tương tác 3D sống động, trực quan, thông tin phong phú và khả năng truyền bá rộng rãi, bảo tàng ảo hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm đến văn hóa và lịch sử dân tộc. Cùng với hoạt động của website, máy tra cứu thông tin hiện vật 3D được đặt ở khu vực trưng bày Bảo tàng tỉnh giúp khách tham quan xem xét kỹ từng chi tiết hiện vật trong không gian 3 chiều với độ chính xác cao. Việc tương tác giúp cho người xem trực tiếp và chủ động hơn trong việc thu nhận thông tin về hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng đã góp phần cung cấp cho khách tham quan những kiến thức bổ ích về lịch sử văn hóa, về truyền thống văn hiến của quê hương, giúp bổ sung kiến thức lý thuyết đã học ở trường, nhất là môn Lịch sử. Bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên về truyền thống của cha ông, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm học tập và lao động trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/giao-duc/202408/giao-duc-truyen-thong-qua-di-san-van-hoa-tai-bao-tang-tinh-87146d5/