Giáo dục văn hóa truyền thống: Vực dậy văn hóa dân tộc từ trường học

Nhiều trường học có học sinh dân tộc đã khôi phục, làm 'sống' lại văn hóa đồng bào để giữ gìn bản sắc, tránh mai một.

Học sinh Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc.

Học sinh Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc.

Đưa văn hóa dân tộc vào trường học đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, phù hợp định hướng Chương trình GDPT 2018.

Lưu giữ văn hóa cội nguồn

Trong đời sống người Vân Kiều, Pa Kô (Quảng Trị) tồn tại nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại, một bộ phận giới trẻ dường như quên dần những câu ca, tiếng hát, nét đẹp văn hóa mà ông cha để lại.

Nhằm giúp học sinh Vân Kiều, Pa Kô giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, một số trường học miền núi tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động như: Giúp học sinh làm quen trang phục truyền thống trong các buổi học; tập hát làn điệu dân ca, chơi nhạc cụ dân tộc...

Trường THCS và THPT Đakrông đóng ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông) có 70% học sinh Pa Kô, nhưng tỷ lệ biết về dân ca, nhạc cụ dân tộc khá khiêm tốn. Tháng 9/2023, Câu lạc bộ dân ca Pa Kô được thành lập với 12 thành viên, do cô giáo Trần Thị Thanh Huyền phụ trách, cùng sự hướng dẫn của một số nghệ nhân địa phương.

2 lần/tuần, nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đakrông lại tập trung ở ghế đá sân trường hoặc phòng sinh hoạt Đội để tập những bài dân ca Pa Kô. Tiếng đàn, hát với âm điệu mộc mạc, giản dị cất lên đã thu hút nhiều học sinh, thầy cô nhà trường. Không chỉ thế, sự hấp dẫn từ những làn điệu còn khiến nhiều người dân Vân Kiều, Kinh xin gia nhập câu lạc bộ. Đến nay, số thành viên tăng lên gần 30 người, sinh hoạt thường xuyên và trở thành nét đẹp văn hóa trong trường học.

Tại Trường Tiểu học và THCS A Xing (huyện Hướng Hóa), lớp dạy dân ca, dân vũ người Vân Kiều, Pa Kô ra đời từ đầu năm học 2022 - 2023. Nhà trường đã phối hợp với Nghệ nhân ưu tú Kray Sức - người con đồng bào Pa Kô để dạy học sinh. Từ khóa học đầu tiên, đến nay có hơn 60 học sinh cấp THCS đăng ký tham gia. Lớp học trở thành sân chơi bổ ích để các em hiểu và yêu hơn tiếng hát dân tộc mình, hơn thế còn giáo dục lớp trẻ kỹ năng khai thác, sống có trách nhiệm với văn hóa truyền thống.

Thầy Nguyễn Khương Chinh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đakrông cho biết, việc thành lập Câu lạc bộ dân ca Pa Kô phù hợp với nội dung Chương trình GDPT mới, vừa theo hướng tăng thời lượng hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp vừa giúp học sinh lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa. Hầu hết học sinh thích thú tham gia câu lạc bộ, từ đó lan tỏa rộng hơn nét đẹp đồng bào Pa Kô, Vân Kiều.

Duy trì, khuyến khích học sinh mang trang phục truyền thống vào đầu tuần, ngày lễ… được Trường Tiểu học và THCS A Dơi triển khai. Những bộ trang phục thổ cẩm, đa màu sắc đã thắp lên tình yêu nét đẹp văn hóa Vân Kiều, Pa Kô. Hiệu trưởng Hồ Sỹ Chẩm bày tỏ: “Những bộ trang phục góp phần lưu giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa đồng bào. Từ đây, tình yêu dành cho trang phục, truyền thống người Vân Kiều, Pa Kô càng thêm nảy nở trong học sinh”.

 Học sinh tham gia Câu lạc bộ dân ca Trường THCS và THPT Đakrông luyện tập ở sân trường. Ảnh: Đăng Đức

Học sinh tham gia Câu lạc bộ dân ca Trường THCS và THPT Đakrông luyện tập ở sân trường. Ảnh: Đăng Đức

Phát triển gắn với bản sắc

Phát triển giáo dục gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục… được ngành Giáo dục Quảng Trị chú trọng triển khai. Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam khối trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú nhằm giáo dục học sinh dân tộc về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để các em thắt chặt tình đoàn kết; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chung tay giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Hưởng ứng phương pháp giáo dục đó, Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa nhiều năm qua triển khai hoạt động bổ ích về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể, trong kế hoạch năm học, nhà trường linh động thiết kế các nội dung về bảo tồn văn hóa dân tộc phù hợp học trò. Hoạt động về giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường cũng được tổ chức phong phú, đa dạng nên đem lại hiệu quả cao.

“Trong hoạt động dạy học, nhà trường lồng ghép, tích hợp các môn học liên quan đến văn hóa, gồm: Mỹ thuật, Lịch sử, Văn học, Âm nhạc... để giảng dạy học sinh. Các tiết sinh hoạt dưới cờ hằng tuần cũng đưa vào các nội dung, hoạt động giới thiệu bản sắc văn hóa đồng bào Vân Kiều, Pa Kô từ trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt...”, cô Hồ Thị Tư - Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa chia sẻ và cho biết thêm, trường đẩy mạnh tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm như: Tìm hiểu văn hóa, Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam… để học tập, tìm hiểu thêm văn hóa truyền thống dân tộc khác.

Thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan di tích lịch sử địa phương (như sân bay Tà Cơn, di tích Làng Vây, nhà tù Lao Bảo) liên quan đến truyền thống kháng chiến của đồng bào cũng là phương pháp giáo dục hiệu quả được Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa triển khai.

Đặc biệt, nhà trường còn nỗ lực tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc khối trường dân tộc quy mô cấp trường, tỉnh; vận động học sinh mặc trang phục truyền thống đồng bào dân tộc mình vào ngày thứ 2, thứ 6 hằng tuần và khi tham gia ngày lễ lớn; kết hợp với các nghệ nhân địa phương giới thiệu cho học sinh nét văn hóa, ngành nghề truyền thống… Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là học sinh được tuyên truyền, phổ biến về nét đẹp văn hóa dân tộc mình, tìm hiểu dân tộc khác…

“Trong khả năng, điều kiện có thể, nhà trường cố gắng lồng ghép, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tìm hiểu, nắm bắt thêm các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là mục tiêu lớn trong chương trình giáo dục của nhà trường nên được xây dựng và đưa vào ngay đầu năm học để triển khai thường xuyên”, cô Hồ Thị Tư cho hay.

Trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật, Trường PTDT Nội trú huyện Hướng Hóa đã chọn chuyên đề mang tính chuyên sâu về bảo tồn giá trị văn hóa để dự thi. Và hầu hết dự án này đều đoạt giải cao ở cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, huyện.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-van-hoa-truyen-thong-vuc-day-van-hoa-dan-toc-tu-truong-hoc-post719597.html