Giáo dục Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 59 thế giới
Năm học qua, ngành Giáo dục Việt Nam đạt nhiều kết quả với 37 huy chương quốc tế, xếp thứ 59 trong bảng xếp hạng các quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới.
Chiều 18/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết quả năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Đánh giá kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2022 - 2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học qua là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng.
Đây cũng là năm học đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với nhiều kết quả tích cực.
Năm học qua cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước) và 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông.
Cả nước có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 em). Tỷ lệ học sinh/lớp ở cấp Tiểu học là 32,1, THCS - 37,71 em/lớp và THPT là 40,27. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỷ lệ quy định như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...
Năm học qua giáo dục trở lại bình thường mới sau dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...
Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 Bằng khen.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc đạt 98,88%, được đánh giá khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.
Nhờ những nỗ lực trên, Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục 2022 đánh giá Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).
Bộ trưởng Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả.
Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Và vẫn còn thách thức, khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.
Hầu hết các cơ sở giáo dục bậc THPT không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mĩ thuật do chưa có giáo viên. Việc chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường đối với học sinh lớp 10 chương trình phồ thông mới còn khó khăn hơn so với trước đây, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Từ những kết quả đã đạt được năm học qua, Bộ GD&ĐT nêu lên 12 nhiệm vụ trọng năm trong năm học mới:
- Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.
- Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
- Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
- Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
- Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.
- Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
- Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.
- Hội nhập quốc tế trong giáo dục.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.
- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục
Nguồn VTC: https://vtc.vn/giao-duc-viet-nam-tang-5-bac-dung-thu-59-the-gioi-ar813708.html