Giáo dục | Xã Hội | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Với sự phát triển của công nghệ, phương thức giao tiếp đã thay đổi rất nhiều. Ngôn ngữ chuyên chở những giá trị văn hóa, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người, của một dân tộc. Bởi vậy, việc chọn lựa cách nói, viết để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang rất được quan tâm.
Với sự phát triển của công nghệ, phương thức giao tiếp đã thay đổi rất nhiều. Ngôn ngữ chuyên chở những giá trị văn hóa, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người, của một dân tộc. Bởi vậy, việc chọn lựa cách nói, viết để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang rất được quan tâm.
Hệ thống ngôn ngữ giống như một sinh thể, cũng có những vận động, biến đổi cùng thời gian. Trong ba bộ phận cấu thành một ngôn ngữ là ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp thì từ vựng là thứ dễ biến đổi hơn cả. Những từ mới, cách nói mới không ngừng được sinh ra, mà lớp người trẻ thường tiên phong trong việc tạo ra những cách nói mới. Những cách nói của các bạn trẻ cùng những đơn vị từ vựng do các bạn tạo ra, có những từ khá thú vị, hợp lý và đọng lại, hòa chung vào kho tàng ngôn ngữ toàn dân. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu, có tính phổ biến cao. Bởi thế trong lời ăn tiếng nói của nhiều bạn trẻ có sự chêm xen nhiều từ ngữ tiếng Anh. TS Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ, chia sẻ: "Nếu nhìn từ góc độ hiệu quả giao tiếp, sự chêm xen đó không gây ra khó khăn gì cho việc hai bên hiểu nhau thì vẫn được chấp nhận và nên được chấp nhận. Đặc biệt trong những trường hợp khi các bạn trẻ trao đổi về công việc, thì những từ chuyên ngành bằng tiếng Anh đôi khi lại rất cần thiết phải sử dụng để tạo ra sự chính xác và ngắn gọn, tiện lợi hơn so việc cứ cố diễn đạt tương đương bằng tiếng Việt. Nhưng trong những bối cảnh giao tiếp khác, nhất là giao tiếp trong các phạm vi chủ đề đậm chất dân tộc, thì không nên lạm dụng tiếng Anh".
"Từ điển từ mới" (Viện Ngôn ngữ học, năm 2002) đã thu thập khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm (1985-2000), trong đó, từ có gốc tiếng Anh chiếm số lượng đáng kể.
Nhìn nhận thực tế và tìm phương thức ứng xử hợp lý đang là vấn đề được các nhà nghiên cứu và cả các cơ quan quản lý bàn thảo trong những năm gần đây.
Nhìn lại lịch sử, người Việt đã thực hiện một công cuộc Việt hóa triệt để nhiều từ ngữ, cách nói từ tiếng nước ngoài để làm phong phú vốn từ của mình. GS Hoàng Phê từng nói rằng: "Khi ta mượn một từ nước ngoài, thì với một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã "tạo" một từ mới của ta: Từ tiếng Việt này sẽ có một đời sống riêng của nó" (Hoàng Phê, Tuyển tập Ngôn ngữ học, năm 2008).
Hiện có hơn 60% từ Việt có gốc Hán (theo thống kê của H. Maspéro, năm 1972) và khoảng hơn 2.000 từ gốc Pháp (thống kê của Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân, năm 1992). Nhìn nhận vấn đề này, PGS, TS Phạm Văn Tình chia sẻ: "Đánh giá việc vay mượn từ ngữ cần có một cái nhìn lịch sử cụ thể, theo chiều hướng động. Ta chống việc vay mượn tràn lan, song cũng có cái đáng mượn. Có những cái ta mượn và biến thành "tài sản" của ta, khác đến nỗi "chủ nhân" của nó không còn nhận ra khi gặp lại. Phải nói rằng, tiếng Việt đã "giàu" và sinh động hơn nhờ vay mượn. Chúng ta đã Việt hóa một cách tuyệt vời số lượng đáng kể từ ngữ gốc Hán và gốc Pháp".
Sự xuất hiện khá tràn lan, phần nào sa vào lạm dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp giữa những người trẻ, trong môi trường giáo dục và cả trong một số hoạt động mang tính chất hành chính nhà nước, điển hình như việc lạm dụng đặt tên các khu chung cư bằng tiếng nước ngoài đang bị rất nhiều chuyên gia văn hóa lên án… tuy chưa đến mức báo động đến sự trong sáng của tiếng Việt, song cũng cho thấy cần phải có những biện pháp điều chỉnh mạnh và kiên quyết, đặt ra những lằn ranh cho việc sử dụng tiếng Việt chuẩn.
Về phía cơ quan quản lý, cần có chương trình huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu để xem xét, nghiên cứu, tạo ra lưới lọc hiệu quả cho sự phát triển của ngôn ngữ. Nên chăng, cần bàn thảo để xây dựng hệ thống quy định chung về việc sử dụng ngôn ngữ trong những môi trường có tính phổ biến rộng, các hoạt động do các cơ quan nhà nước tổ chức, các phương tiện truyền thông đại chúng…
Đặc biệt, nhiều chuyên gia nhấn mạnh sự quan trọng của việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trong môi trường giáo dục. Những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ là thế hệ quyết định sự phát triển lành mạnh của tiếng Việt. Vì vậy, ngành giáo dục cần chú trọng hơn nữa các hoạt động bồi dưỡng nền tảng nhận thức cho học sinh, sinh viên về nguyên tắc sử dụng tiếng Việt, đồng thời, luôn chú trọng nắm bắt và định hướng việc chọn lọc sử dụng những từ ngữ mới phát sinh từ đời sống, từ môi trường mạng, hướng dẫn các em có tư duy sàng lọc và phản biện trong việc sử dụng ngôn ngữ.
"Chuẩn ngôn ngữ là một quá trình kiểm nghiệm, sàng lọc, chọn lựa", chuyên gia Phạm Văn Tình khẳng định. Những tác động từ quá trình hội nhập đang là bài toán khó với rất nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam. Chính vì vậy, xây dựng những quy định chung cụ thể, bao quát, với những giới hạn mang tính chất như "lưới lọc", đồng thời, thúc đẩy những hệ sinh thái ngôn ngữ chuẩn và lành mạnh, có sức lan tỏa rộng trong cộng đồng chính là phương thức hiệu quả được nhiều chuyên gia văn hóa khuyến cáo, để có thể bảo vệ mà không làm hạn chế sự phát triển của tiếng Việt- giá trị văn hóa đặc biệt quan trọng của dân tộc Việt Nam.