Giao lưu và tái tạo văn hóa của cư dân biển đảo Thanh Hóa
Xứ Thanh ở vào vị trí mở, với đường bờ biển dài 102 km, vùng lãnh hải rộng lớn, có đảo và bán đảo, có cảng nước sâu... nơi giao thương không chỉ trong khu vực mà còn vươn tới những hải đảo và bến cảng xa xôi. Qua những di chỉ khảo cổ học, phương ngữ, phương thức sản xuất gắn liền với biển khơi và nghề chài lưới; văn học dân gian; phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ các vị thần biển, thờ cá voi... đã minh chứng người xứ Thanh từ xưa đến nay luôn có tâm hồn rộng mở, luôn tiếp xúc với bên ngoài và tái tạo nên những giá trị mới để vừa làm giàu có thêm cho đời sống vật chất, tinh thần, vừa bảo lưu được những giá trị văn hóa bản địa để tồn tại và không ngừng phát triển.
Đồng hành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trên đất xứ Thanh và vùng biển đảo xưa đến nay đã từng diễn ra giao lưu, hội nhập, tiếp biến và tái tạo văn hóa, trải thời gian kết tinh thành giá trị, làm nên sắc thái văn hóa biển tỉnh Thanh, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thống nhất mà đa dạng.
Giao lưu và tiếp xúc của cư dân Việt cổ miền duyên hải xứ Thanh với văn hóa khu vực và hải đảo có từ rất sớm. Tương ứng với văn hóa Bắc Sơn - Thời đại đồ đá mới ở phía Bắc Việt Nam, Thanh Hóa có văn hóa Đa Bút. Tương ứng với văn hóa Hạ Long (phía Bắc), Bàu Tró, Xóm Cồn (miền Trung) xứ Thanh có văn hóa Hoa Lộc, Gò Trũng. Với di chỉ khảo cổ học Đa Bút (Vĩnh Lộc), di chỉ Cồn Cổ Ngựa (Hà Trung) tìm thấy các loài nhuyễn thể nước mặn ven bờ như sò gai, điệp, hàu, đốt sống cá, tia vây cá... Với di tích Gò Trũng cách ngày nay khoảng 5.000 năm, nằm sát cửa biển Lạch Trường, tìm thấy nhiều xương cá biển và rất nhiều chì lưới. Cùng với sự phát triển nghề đánh bắt cá biển, cư dân Gò Trũng đã biết xe sợi, dệt đan lưới, bện thừng, làm thuyền bè để vươn tới những vùng hải đảo xa.
Cộng đồng người Việt ở các làng ven sông, biển tỉnh Thanh Hóa hình thành từ hai nguồn chủ yếu và có mối liên hệ với Mã Lai đa đảo. Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng: với huyền tích An Tiêm “việc buôn bán với nước ngoài từ thời cổ đại” đã diễn ra trên đất xứ Thanh. Cửa biển Lạch Trường là thương cảng cổ đầu công nguyên, thu hút nhiều thuyền bè của người Ấn, Hoa, Chăm,... tới giao lưu buôn bán và đã hình thành nên văn hóa Lạch Trường. Đặc biệt, cây đèn hình người với tóc xoăn, mắt trố, bụng to, rốn lồi, chân quỳ,... mang rõ phong cách Ấn Độ đã có mặt ở Lạch Trường. Vùng biển Sầm Sơn tiếp với Quảng Xương với các làng Xuân Phương (Quảng Châu) cho tới Đồn Điền (Quảng Thái) có người Chăm cư trú, họ là những tù binh do triều đình các thời Tiền Lê, Lý, Hậu Lê đưa về và tổ chức khai phá đất đai ven biển. Cù Lao Biện (xã Nghi Sơn) có gốc ngữ hệ Mã Lai đa đảo: Pulo - Pulao (cù lao). Vụng Ngọc, theo Phan Huy Chú “thuyền bè qua lại đậu ở bến ấy không lo gì sóng gió”, là nơi neo đậu của tàu bè và thương thuyền trong khu vực và quốc tế để lấy củi, nước ngọt và tránh gió bão trên Biển Đông.
Do giao lưu và tiếp xúc với bên ngoài từ rất sớm qua đường biển đã mang đến cho cuộc sống, văn hóa và tín ngưỡng của cư dân biển xứ Thanh bên cạnh tính bản địa lại có thêm những sắc màu mới.
Để sản xuất canh tác lúa trên vùng đất cát ven biển, cư dân biển đã du nhập giống lúa Chăm (hoặc Chiêm) chịu hạn, thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết vùng đất cát. Miền duyên hải xứ Thanh trồng nhiều dừa và cau. Cau, dừa không phải là giống cây bản địa mà giống cây này theo thương thuyền từ vùng hải đảo xa du nhập thông qua các cảng biển Lạch Trường, Hội Triều... rồi bén rễ xanh tươi nơi miền đất “đầu sóng, ngọn gió” này. Trong việc khai thác nguồn nước ngầm từ đồi gò cát hay núi thấp để lấy nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng, cư dân biển tỉnh Thanh cũng học được kinh nghiệm của người Chăm, đó là hệ thống “miệng vuông, đáy vuông” có nhiều ở xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa). Nghề làm chượp, mắm tôm, nước mắm có nguồn gốc du nhập từ Nam đảo. Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng thì người Việt chỉ quen với việc chế biến các sản phẩm của nông nghiệp như dưa, cà, tương... làm thực phẩm cho bữa ăn thường ngày. Tiếp xúc với văn hóa biển, hải đảo, người Việt mới biết cách muối chượp, làm nước mắm.
Về ngôn ngữ của cư dân trên đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) cho đến ngày nay mặc dù đã thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn bắt gặp thổ ngữ cổ mà tên gọi “cù lao” - đảo Biện có xuất xứ từ Mã Lai đa đảo. Trong ngôn ngữ giao tiếp, cư dân đảo Nghi Sơn phát âm nhanh, nhẹ, không nặng và lặng trầm như cư dân các làng biển tỉnh Thanh. Cửa Càn thuộc cửa biển Nga Sơn mang dấu ấn ngôn ngữ Nam đảo, Càn là tên gọi cá Voi.
Từ lâu đời, các thế hệ cư dân biển xứ Thanh đã sáng tạo, trao truyền nhiều loại hình văn hóa có giá trị, mang đậm sắc thái biển. Đặc biệt, sự tích quả dưa đỏ, thứ quả lạ chính là sự tiếp nhận giống cây từ các quốc đảo của người Việt tỉnh Thanh thuở các vua Hùng dựng nước. Thần Độc Cước xẻ đôi thân bảo vệ dân chài ngoài biển khơi và ở đất liền... là sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa tôn giáo bên ngoài (Kỳ Na) Ấn Độ giáo, rất gần gũi với câu chuyện về Thần sóng biển Pookyana của người Chăm và các dân tộc hải đảo Nam Thái Bình Dương. Nguyệt Viên, làng quê nằm bên sông Mã đổ ra biển khơi đã tiếp thu câu chuyện về nữ thần sông Hằng để rồi nhân hóa qua huyền thoại nữ thần - thành hoàng phù trợ cho dân chài và thiêng hóa bằng biểu tượng của rắn Naga.
Về nghệ thuật kiến trúc trong các di tích thờ tự ở các làng biển và ven sông biển tỉnh Thanh, bắt gặp linh vật thần thoại Makara chạm khắc ở di tích Nghè Nguyệt Viên (Hoằng Hóa), cụm di tích đền nghè Ngư Lộc (Hậu Lộc) với hình tượng Makara có nguồn gốc ở các đền điện Hindu và Phật giáo trải rộng khắp Nam Á và Đông Nam Á, cư dân biển nơi đây đã lựa chọn linh vật Makara từ các miền hải đảo xa xôi để khoác lên công trình tín ngưỡng linh thiêng đền nghè thờ các vị thần biển. Tượng thần Độc Cước có phần thiếu khuyết được thể hiện bằng ngọn sóng biển dâng trào , gợi nhớ hình tượng vị thần sóng biển của cư dân Nam đảo.
Người dân các làng biển xứ Thanh đã tiếp thu yếu tố âm nhạc Chăm và lời ca trong bài hát “đò đưa” - dân ca Thanh Hóa, với lời ca và âm nhạc lại ảnh hưởng từ âm nhạc Chăm pa. Việc sử dụng nhạc cụ: trống cơm, hồ, sênh, chiêng cũng có sự giao thoa giữa nhạc cụ Việt và Chăm pa. Làn điệu hát nhật trình đường biển có trống Vả đệm (dạng trống Baranưng) giống với hát Vãi chài Nam Trung bộ diễn tả cuộc hành trình trên biển của các ngư dân từ Thanh Hóa vào miền Trung và ngược lại ở làng Bạch Câu (xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn)... có sự tiếp thu lối hát và nhạc cụ gõ của người Nam đảo. Âm nhạc nghi lễ và các màn hát múa hầu đồng ở một số đền, phủ thờ mẫu và các nữ thần biển miền duyên hải tỉnh Thanh với lối hát chầu văn có sự du nhập và biến thể lối hát “giàn”, ảnh hưởng nghi lễ thờ nữ thần - Bà Mẹ xứ sở của người Chăm. Âm nhạc chầu văn là những nhạc cụ có nguồn gốc Việt, nhưng cung bậc, giai điệu khá giống với âm nhạc Chăm, nhất là nhịp phách của bộ gõ.
Tôn giáo, tín ngưỡng là bộ phận của văn hóa, qua tiếp xúc với bên ngoài, chủ yếu theo đường biển đem đến cho đời sống tâm linh của cư dân biển xứ Thanh những màu sắc mới. Thần Độc Cước (Sầm Sơn) với “phép tu đứng một chân, xoay theo hướng mặt trời” và thần tích khá giống với thần sóng biển Pôkyaka. Tục thờ Bò Thần ở làng Du Vịnh (Quảng Xương) là sự tiếp thu của Bàlamôn giáo - Ấn Độ với hình tượng bò thần Nandi. Tín ngưỡng thờ cá voi và lễ hội cầu ngư ở các làng biển ảnh hưởng tín ngưỡng thờ cá voi của cư dân Nam đảo và của người Chăm duyên hải Nam Trung bộ.
Giao lưu, tiếp biến và tái tạo văn hóa, tín ngưỡng với bên ngoài là xu thế tất yếu không loại trừ quốc gia, dân tộc nào và cư dân biển tỉnh Thanh cũng nằm trong quy luật ấy. Tuy vậy, vượt lên những ảnh hưởng đó, văn hóa, tín ngưỡng bản địa ngày càng tự khẳng định mình, vừa tiếp thu, đổi mới chính nó để không ngừng phát triển. Mặt khác, giao lưu, hội nhập với bên ngoài, văn hóa, tín ngưỡng bản địa vẫn hòa đồng và được tái tạo, có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tâm linh và văn hóa của cư dân biển.
Nghiên cứu tục thờ vị thần biển Độc Cước ở các làng biển tỉnh Thanh cho thấy hình tượng thần là “nhà sư đứng một chân giảng kinh kệ” của đạo Kỳ Na - Bàlamôn giáo đã được người dân biển xứ Thanh sáng tạo, mang tính bản địa sâu sắc, trở thành người con của làng Núi, xẻ mình ra làm hai nửa, cứu nước, hộ dân; giúp cho những con thuyền đánh cá “đi khơi gặp đống, đi lộng gặp tía”, cho “cơm đầy rá, cá đầy nồi”. Điều đó đã khẳng định: giao lưu tiếp biến linh hoạt với văn hóa, tôn giáo Ấn Độ, Chăm pa và Trung Hoa, hình tượng thần Độc Cước càng hoàn chỉnh, gần gũi và đáp ứng sự ngưỡng vọng của dân chúng.
Tục thờ các vị thần biển như Mẫu Thoải, Bà Triều, Tứ vị Thánh nương... ở các làng biển với âm nhạc và hát chầu văn là lối hát và nhạc cụ có nguồn gốc Việt, nhưng cung bậc, giai điệu khá giống với âm nhạc Chăm. Trong nghi lễ lên đồng, đồng cô, đồng cậu thăng thoát và đắm chìm trong trạng thái ngất ngây. Nghi lễ này không chỉ diễn ra ở các đền nghè ven biển tỉnh Thanh mà bắt gặp không khí náo nức, thăng hoa ấy hiện hữu trong lễ hội Ka-tê tổ chức ở tháp Pô Kluang Garai, Phan Rang. Lễ hội kết thúc bằng điệu múa thiêng của bà đồng kèm nhạc đệm tạo cho nghi lễ hầu đồng linh thiêng, hấp dẫn.
Khảo sát, nghiên cứu tục thờ ở một số làng biển tỉnh Thanh Hóa cho thấy các lớp văn hóa đã tích hợp, chồng xếp trong mỗi hiện tượng văn hóa do giao lưu, tiếp biến văn hóa, tôn giáo giữa bản địa với bên ngoài khá rõ. Từ văn hóa, tín ngưỡng dân gian bản địa, ảnh hưởng và tiếp biến với văn hóa, tôn giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Mã lai đa đảo, đã khoác lên cho văn hóa, tín ngưỡng ở các làng biển một chiếc áo mới vừa gần gũi thân quen, lại vừa mới lạ. Tấm áo nhiều mầu sắc ấy vừa phù hợp với đời sống tinh thần của cư dân chài lưới, vừa tạo nên hứng thú mới lạ và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và đời sống hóa tinh thần của dân chúng.