Giao thông xanh - Xu thế tất yếu trong tương lai

Giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.

Taxi điện trên đường phố Huế

Taxi điện trên đường phố Huế

Gần đây, các đô thị lớn, như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã chú trọng phát triển giao thông xanh với việc đưa hệ thống xe buýt điện vào hoạt động, được đông đảo người dân hưởng ứng. Các địa phương này đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong thời gian tới, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh...

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển giao thông xanh rất lớn. Các đô thị trên địa bàn có phạm vi di chuyển khoảng cách vừa tầm cho người sử dụng xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện… Không khí và môi trường cảnh quan trong lành, phù hợp cho người sử dụng các phương tiện giao thông xanh. Nhiều diễn đàn, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong, ngoài nước đã thảo luận những vấn đề liên quan đến chuyển đổi tăng trưởng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Mới đây, tại TP. Huế thí điểm triển khai mô hình xe đạp chia sẻ công cộng với 20 trạm ở tại địa phương, bình quân 10 - 20 xe/trạm; mô hình sử dụng xe điện phục vụ tham quan các điểm di tích… Tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh (GSM) đã ra mắt dịch vụ taxi điện đầu tiên tại địa phương gần 250 chiếc GreenCar. Dịch vụ trên là bước chuyển quan trọng nhằm mang đến cho người dân Thừa Thiên Huế và du khách tiếp cận những trải nghiệm di chuyển mới, linh hoạt tốt cho sức khỏe và góp phần giải quyết bài toán giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường...

Bên cạnh nỗ lực trên, đáng lo ngại hiện nay ở Thừa Thiên Huế là nhu cầu phương tiện cá nhân, đặc biệt ô tô tăng nhanh, vào giờ cao điểm tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường, nhất là các tuyến tại các cửa ngõ TP. Huế, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện này...

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành GTVT ở địa phương. Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Từ nay đến năm 2030, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành GTVT đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực. Đến năm 2050, chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng GTVT sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Để đạt được mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết vẫn là công tác tuyên truyền về lợi ích của giao thông xanh đối với sự phát triển bền vững của các đô thị trong tương lai để đông đảo người dân, doanh nghiệp hưởng ứng.

Ngoài việc đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong thời gian tới, phải cần cụ thể hóa các giải pháp về chính sách; chuyển đổi phương tiện, năng lượng xanh; phát triển hạ tầng bến xe, trạm dừng chân, trạm sạc điện… để người dân, doanh nghiệp không ngần ngại khi chuyển đổi sang giao thông xanh, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

Phát triển hệ thống xe buýt điện như các tỉnh, thành phố lớn là điều ở Thừa Thiên Huế phải nên nghĩ đến và tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về việc sử dụng phương tiện công cộng này. Đây chính là điều góp phần giảm thiểu đáng kể lượng khí thải do các xe cá nhân thải ra môi trường; giảm ùn tắc, kẹt xe - một trong những vấn nạn ở các đô thị như hiện nay; đồng thời là một xu thế tất yếu của giao thông trong tương lai, nhất là ở một đô thị mang nét đặc trưng văn hóa, di sản, lịch sử… như Huế.

Bài, ảnh: MINH VĂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/giao-thong-xanh-xu-the-tat-yeu-trong-tuong-lai-136068.html