Giao trực tiếp vốn bảo trì cho doanh nghiệp đường sắt
Bộ Xây dựng ban hành thông tư mới, giao vốn bảo trì trực tiếp cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thực hiện.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 06/2025 quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2025.
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Võ Thanh Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, Thông tư 06 được ban hành thay thế Thông tư số 03/2021 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 06, nhiều quy định mới về bảo trì đường sắt (Ảnh: minh họa).
Theo ông Hiền, trước đây, theo Luật Ngân sách, vốn bảo trì không được giao trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện, mà phải giao cho đơn vị quản lý ngân sách nên có nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 636/2021, chỉ đạo Bộ GTVT đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với Tổng công ty Đường sắt VN. Sau đó, Cục Đường sắt VN được Bộ GTVT ủy quyền ký hợp đồng đặt hàng toàn bộ với Tổng công ty Đường sắt VN.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 797 phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý. Theo đó, việc thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Bộ GTVT đặt hàng toàn bộ cho Tổng công ty Đường sắt VN.
Như vậy, Cục Đường sắt VN không ký hợp đồng đặt hàng thực hiện công tác bảo trì như trước, mà Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện đặt hàng với các công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt (doanh nghiệp bảo trì).
Từ đây, các nội dung về quản lý chất lượng bảo trì, biểu mẫu nghiệm thu cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Vì vậy cần thiết ban hành thông tư mới về quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt để đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan cũng như thực tiễn.
Cụ thể, Thông tư 06 quy định: Căn cứ kế hoạch quản lý, bảo trì công trình đường sắt và dự toán chi ngân sách nhà nước do Bộ Xây dựng giao, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia (Tổng công ty Đường sắt VN hiện đang được giao quản lý) tổ chức thực hiện bảo trì công trình đường sắt.
Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện giám sát công tác bảo trì công trình đường sắt, chịu trách nhiệm toàn diện về khối lượng và chất lượng bảo trì công trình đường sắt, đảm bảo hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, chịu trách nhiệm về sự cố hoặc xuống cấp của công trình do không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung quản lý kết cấu hạ tầng, bảo trì công trình đường sắt theo quy định.
Về phía Cục Đường sắt VN, Thông tư 06 quy định: Tổ chức kiểm tra trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia trong việc quản lý kết cấu hạ tầng, bảo trì công trình đường sắt; Thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đối với các công trình sửa chữa đường sắt thuộc kế hoạch quản lý, bảo trì công trình đường sắt...