Giáo viên cho học sinh hàng loạt điểm 0 là vi phạm
Giáo viên cho học sinh hàng loạt điểm 0 bài đánh giá thường xuyên là vi phạm Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô giáo L.T.T.T dạy môn Công nghệ lớp 8 Trường Trung học cơ sở Châu Đức (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) bị kiểm điểm vì cho 33/34 học sinh của một lớp dưới điểm trung bình. Trong đó 21 học sinh bị điểm 0; 5 em bị điểm 1; 7 em bị điểm từ 2, 3, 4; chỉ 1 em được điểm 10.
Theo cô T., học sinh coi thường môn Công nghệ, không chịu học, khi ra đề thì không làm được nên bị điểm thấp. Hiệu trưởng nhà trường phát hiện đã làm việc với cô T. đồng thời yêu cầu giáo viên này cho kiểm tra lại. Tuy nhiên, cô T. không đồng ý vì như vậy học sinh càng thêm coi thường, không chịu học bài.
Cho học sinh hàng loạt điểm 0 là sai quy chế
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Châu Đức không dứt khoát việc này nên vẫn vào điểm lớp 8A6 trên hệ thống mạng giáo dục Việt Nam VNEDU. Bảng điểm được lan truyền trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.
Nắm được thông tin này Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Đức đã làm việc với ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Châu Đức, kiểm điểm hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu nhà trường phải xây dựng quy tắc, một bài kiểm tra phải có tỷ lệ % điểm từ trung bình trở lên mới vào sổ, nếu không đạt phải cho kiểm tra lại.
Chia sẻ về việc cô L.T.T.T cho 21 học sinh điểm 0 môn Công nghệ, thầy Phan Anh – giáo viên dạy bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng cô giáo ứng xử trong tình huống này là chưa hợp tình hợp lí với học sinh của mình.
Thứ nhất, về hành lang pháp lí, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định kiểm tra, đánh giá thường xuyên như sau (trích):
"Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học và giáo dục, nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập".
Theo quy định này, điểm đánh giá thường xuyên (điểm miệng, 15 phút) được thực hiện theo quá trình - nghĩa là học sinh làm bài lần thứ nhất không đạt thì giáo viên có thể cho các em làm lại nhiều lần và lấy cột điểm cao nhất. Giáo viên cần thay đổi hình thức kiểm tra nhằm đánh giá đúng khả năng học tập của các em. Ví dụ, lần thứ nhất học sinh làm bài theo hình thức viết chưa đạt thì giáo viên cho các em làm lại bằng bài thực hành.
Không thể hạ điểm số để kích thích sự học
Thứ hai, về tình, giáo viên cho hơn nửa lớp điểm 0 chỉ nhằm giải tỏa bực tức của bản thân nhất thời chứ rất khó giáo dục học sinh chăm học hơn. Hơn nữa, mỗi khi học sinh bị điểm 0, các em sẽ có tâm lí mặc cảm, tự ti, chán môn học, kéo theo sức học sẽ giảm sút.
Giáo viên có thể răn đe các em bằng cách khác, chẳng hạn đề ra quy định trừ điểm, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh để uốn nắn, nhắc nhở các em. Thầy cô cần khích lệ để giúp học sinh tiến bộ trong tập mới là điều nên làm chứ không phải cho điểm 0 là phương án tối ưu.
"Tôi đã từng nhiều lần cho học sinh điểm 0 khi các em không chịu học bài, làm bài. Tuy vậy, tôi chỉ ghi điểm 0 vào sổ nháp và nhắc nhở học sinh rằng, nếu lần sau các em chịu khó học bài, làm bài thì thầy sẽ cho gỡ điểm. Hầu hết học sinh đều mong muốn gỡ điểm và nhiều em tiến bộ hẳn", thầy Phan Anh nêu kinh nghiệm về đánh giá học sinh.