Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường: Hiệu trưởng quản lý ra sao?
Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 14-2. Tại TP.HCM, nhiều hiệu trưởng đã triển khai cho giáo viên thực hiện việc báo cáo dạy thêm.
Thông tư 29 quy định đối với học sinh cấp tiểu học, giáo viên không được dạy thêm (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Với học sinh các cấp học khác, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trường.
Tại khoản 3, Điều 6 của Thông tư 29 nêu: Giáo viên (GV) đang dạy học tại các trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
![Học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 trong 1 giờ học. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_114_51429803/99433864022aeb74b23b.jpg)
Học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 trong 1 giờ học. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Hiệu trưởng phải có trách nhiệm của hiệu trưởng quản lý GV khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của GV đang dạy học tại nhà trường.
Hiệu trưởng xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm (Điều 13).
Tại TP.HCM, nhiều hiệu trưởng đã triển khai cho giáo viên thực hiện việc báo cáo dạy thêm.
Các trường yêu cầu giáo viên báo cáo việc dạy thêm
Đề cập đến Thông tư 29, ông Dương Công Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè cho biết có một số giáo viên đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường. Thầy cô chủ yếu dạy tại trung tâm của xã, đã có đơn và danh sách học sinh báo cáo cho hiệu trưởng.
Cũng theo ông Lý, tại trường, số lượng học sinh thi vào lớp 10 các trường ở TP chỉ chiếm 2 đến 4%. Đa phần các em thi vào các trường trên địa bàn, mức độ cạnh tranh không cao do đó tình hình học thêm của các em cũng rất ít. Trường vì thế cũng dễ quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn, cho biết trường đã triển khai cho giáo viên làm theo mẫu 03 theo Thông tư 29 về báo cáo việc dạy thêm ngoài nhà trường. Các giáo viên vừa làm báo cáo, vừa thực hiện một bản cam kết về việc không dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình.
“Trong trường hợp giáo viên vẫn dạy thêm cho học sinh chính khóa, tôi yêu cầu phải có minh chứng đi kèm là dạy không thu tiền, tránh trường hợp rắc rối xảy ra” - bà Hằng nói và thừa nhận việc quản lý không dễ chút nào. “Tôi chỉ quản lý trên báo cáo cũng như bản cam kết của thầy cô. Còn việc trong quá trình dạy họ có thu tiền hay không là chuyện khác” - bà Hằng bộc bạch.
Cũng theo bà Hằng, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực thi hành, nhiều giáo viên trong trường đã chuyển ra dạy tại các trung tâm trên địa bàn thay vì dạy tại nhà như trước.
Hiệu trưởng một trường THCS tại huyện ngoại thành cho biết ngay khi Thông tư 29 ban hành, trường đã họp hội đồng sư phạm và thông tin rất chi tiết về các vấn đề cần lưu ý trong quy định mới về dạy thêm.
“Tôi yêu cầu giáo viên thực hiện báo cáo theo quy định và làm thêm một bản cam kết đi kèm nếu có tham gia dạy thêm ngoài nhà trường" - vị này nói.
Theo hiệu trưởng trên, từ khi có Thông tư 29, giáo viên có vẻ tâm tư. Một số thầy cô đã thu tiền dạy thêm đối với học sinh chính khóa, theo tôi nắm họ đã ngưng dạy. Bởi nếu vi phạm, thầy cô sẽ bị xử lý theo quy định. Thầy cô dạy học một cách chính đáng và được trả thù lao là điều đương nhiên, tuy nhiên phải làm đúng theo quy định” - vị này nói.
Cũng giống như nhiều nhà quản lý khác, vị này cho rằng quản lý giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không đơn giản. Nếu giáo viên không tổ chức dạy với số lượng lớn, chỉ dạy kèm từ 3-5 em tại nhà thì hiệu trưởng sao biết.
“Nếu giáo viên không thực hiện trung thực như bản báo cáo thì làm sao chúng tôi có thể quản lý được. Việc quản lý cần sự phối hợp của nhiều bên, không riêng gì nhà trường” - vị này nói thêm.
Cần giải pháp đồng bộ
![Học sinh đến lớp học thêm sau giờ chính khóa. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_114_51429803/d4ac738b49c5a09bf9d4.jpg)
Học sinh đến lớp học thêm sau giờ chính khóa. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Một vấn đề được ông Định Văn Trịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 đặt ra là dù đã có nhiều quy định nhưng thực tế việc giám sát và kiểm soát dạy học thêm ngoài nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Một số vấn đề có thể kể đến đó là khó kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các lớp học thêm. Bởi không phải tất cả các lớp học thêm đều được cấp phép hoặc kiểm tra định kỳ, nên việc chất lượng giảng dạy và tình trạng "chạy theo thành tích" có thể xảy ra.
Để việc dạy học thêm ngoài nhà trường được thực hiện đúng theo quy định, cần có những giải pháp đồng bộ. Cụ thể, các cơ quan chức năng, bao gồm Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra các lớp học thêm, đặc biệt là kiểm tra xem các lớp học có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định hay không.
Ngoài ra, trường học phải nâng cao chất lượng dạy và học đảm bảo học sinh được học đủ kiến thức, không cần phải tìm đến các lớp học thêm. Đồng thời, khuyến khích các hình thức học trực tuyến hoặc các lớp học nhóm. Điều này có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào việc học thêm trực tiếp tại các trung tâm, qua đó cũng giảm bớt áp lực và chi phí cho học sinh.
Đứng ở góc độ giáo viên, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 cho biết, để dạy thêm ngoài nhà trường đúng quy định, giáo viên cần đăng ký dạy thêm tại các trung tâm giáo dục ngoài giờ được cấp phép, tuân thủ các quy định. Nội dung giáo dục phải đảm bảo yêu cầu theo quy định, không được có hành vi nhằm “lách luật” chèn ép học sinh học thêm
Thầy Bảo nhìn nhận giáo viên giỏi lại càng khó vi phạm quy định về dạy thêm. Một giáo viên giỏi có thể dạy rất tốt cho học sinh chính khóa của mình. Do đó, các em không nhất thiết phải đi học thêm. Bản thân giáo viên giỏi sẽ được nhiều người biết đến, do đó không sợ không có học sinh muốn theo học.