Giáo viên đổ xô đăng ký kinh doanh; Xử phạt trung tâm dạy thêm
Giáo viên đổ xô đi đăng ký kinh doanh dạy thêm; Xử phạt trung tâm dạy thêm học sinh tiểu học; Dự kiến tuyển giáo viên dưới chuẩn dạy 4 môn Chương trình giáo dục phổ thông 2018;… là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.
Đại học Huế hoạt động ra sao sau khi giám đốc bị bắt?
Trao đổi với PV, TS Bùi Văn Lợi - Phó Giám đốc phụ trách ĐH Huế, cho biết, hoạt động của đơn vị diễn ra bình thường sau khi nhân sự tại ĐH Huế có những thay đổi quan trọng.
ĐH Huế hiện tập trung thực hiện kế hoạch tuyển sinh ĐH và sau ĐH năm 2025, ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng đề án tuyển sinh ĐH và sau ĐH, xác định chỉ tiêu dự kiến để sớm công bố với xã hội, thông tin đến với người học. Bên cạnh đó là những công việc quan trọng, cấp bách khác.(xem chi tiết)
Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo xử lý vụ hiệu trưởng kỷ luật giáo viên sai quy định
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, báo cáo nội dung báo Tiền Phong phản ánh việc kỷ luật giáo viên sai quy định tại Trường Trung học cơ sở Khánh Hưng ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các huyện, TP. Cà Mau tiếp tục tăng cường công tác quản lý viên chức giáo dục. (xem chi tiết)
Mới nhất vụ 150 học sinh Quảng Bình chưa thể đến trường
Mặc dù chính quyền đưa ra nhiều phương án hỗ trợ tối đa việc học của học sinh, đồng thời cam kết sớm xây mới để thay thế các phòng học đã xuống cấp không thể sử dụng, nhưng phụ huynh của hơn 150 học sinh tiểu học thôn Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) vẫn cương quyết không cho con đến trường. (xem chi tiết)
Học sinh trường quốc tế Saigon Pearl ra sao khi trường đóng cửa?
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vừa có báo cáo gửi UBND TPHCM về tình hình hoạt động của Trường quốc tế Saigon Pearl. Động thái này diễn ra sau khi báo chí đưa tin trường thông báo sẽ đóng cửa sau năm học 2024 - 2025.
Sở GD&ĐT TPHCM đã đề nghị trường gửi báo cáo về tình hình hoạt động trong năm học 2024-2025 và phương hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hoạt động. (xem chi tiết)
Hải Phòng: Hồ sơ đăng ký dạy thêm tăng đột biến; kết quả kiểm tra đột xuất các trường
Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT Hải Phòng thông tin, những ngày gần đây, số lượng hồ sơ đăng ký kinh doanh trên lĩnh vực giáo dục tăng đột biến.
Chỉ tính trong một tháng qua, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý và cấp phép 278 bộ hồ sơ trên lĩnh vực giáo dục, bằng 86% của cả năm 2024, 185% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, bao gồm cả hồ sơ đăng ký mới, đăng ký chi nhánh trực thuộc, thay đổi nội dung đăng ký và đăng ký bổ sung. (xem chi tiết)
Dự kiến tuyển giáo viên dưới chuẩn dạy 4 môn Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Các trường tiểu học, THCS có thể sẽ được tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Nội dung này nằm trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình GDPT 2018, được Bộ GD&ĐT đăng tải lấy ý kiến rộng rãi.
Theo dự thảo, các trường tiểu học sẽ tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên tiếng Anh hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn tiếng Anh để dạy tiếng Anh tiểu học.
Tuyển dụng người có bằng cao đẳng dạy các môn Tin học, Âm nhạc hoặc Mĩ thuật ở cấp tiểu học và THCS. (xem chi tiết)
Đà Nẵng: Đổ xô đi đăng ký kinh doanh dạy thêm
Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, rất nhiều người dân tại Đà Nẵng đổ xô đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ các quận huyện đăng ký dạy thêm. Nhiều người đi hai, ba lần vẫn chưa đăng ký được.
"Ngày cao điểm chúng tôi tiếp nhận gần 100 hồ sơ đăng ký dạy thêm, phải xử lý liên tục vì nhu cầu mở lớp dạy thêm của người dân rất lớn", bà Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cho hay. (xem chi tiết)
Xử phạt trung tâm dạy thêm học sinh tiểu học
Kiểm tra đột xuất Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên, cơ quan chức năng phát hiện có 18 học sinh tiểu học đang học Toán, Tiếng Việt ở trung tâm này.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 18/2, bà Phan Thị Mịnh, Phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TPHCM) xác nhận tổ công tác của phường vừa kiểm tra đột xuất và lập biên bản xử lý vi phạm Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm với Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên.
Khi đó, giáo viên của trung tâm đang dạy cho 18 học sinh tiểu học, đa số học môn Tiếng Việt. Người đứng lớp không phải giáo viên công lập, có hợp đồng lao động. (xem chi tiết)
Hà Nội: Đột biến giáo viên đến đăng ký kinh doanh dạy thêm
Ghi nhận tại một số bộ phận một cửa của UBND các quận trên địa bàn Hà Nội, lượng giáo viên đến đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm khá đông.
Tại bộ phận một cửa quận Hai Bà Trưng lúc 10h sáng, có khoảng 15 công dân đang làm thủ tục, nhiều người trong số này là giáo viên đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chị N.T.T.N. (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị là giáo viên tự do, sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực chị đã đăng ký ngay để thuận tiện cho việc tổ chức dạy thêm tại nhà. (xem chi tiết)
Trường ĐH Sư phạm TPHCM có nhiều vi phạm khi hợp tác với Công ty AIC
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký Kết luận số 01/KL-TTr ngày 14/02/2025 về việc thanh tra Gói thầu số 4 (Dự án) tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là dự án đầu tư trang thiết bị giảng dạy trong trường sư phạm nhằm chuẩn bị cho việc đổi mới căn bản và toàn diện công tác đào tạo sư phạm sau năm 2015. Dự án có mức đầu tư 17,42 tỷ đồng với 3 gói thầu.
Theo kết luận, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có những hạn chế, thiếu sót như: chưa thực hiện đầy đủ quy trình về lập, phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu... khi ký hợp đồng về việc thẩm định giá trị hàng hóa thiết bị; công văn gửi Công ty cổ phần thẩm định giá ASIAN (Công ty ASIAN) thiếu danh mục thiết bị thẩm định giá, tuy nhiên chứng thư của công ty này lại có phụ lục thẩm định giá kèm theo với giá trị 17,42 tỷ đồng; trường có văn bản gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu nhưng không có nơi nhận, không có thông báo thay đổi hồ sơ mời thầu…
Cũng theo thanh tra, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Trường ĐH Sư phạm TPHCM chưa trình Bộ GD&ĐT phê duyệt chủ trương trước khi trình phê duyệt dự án.