Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm bao nhiêu năm?
Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi, đồng thời được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định là đề xuất mới nhất của cơ quan soạn thảo tại Dự thảo Luật Nhà giáo.
Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Điều 46 dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ, giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi, đồng thời được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định;
Với các nhà giáo khác độ tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động;
Trước 6 tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu. Trước 3 tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.
Như vậy nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, giáo viên mầm non sẽ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi, sớm hơn so với độ tuổi nghỉ hưu chung.
Cụ thể, theo quy định hiện hành (Điều 169 Bộ luật Lao động 2019), tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Theo quy định này, tuổi nghỉ hưu năm 2024 của giáo viên mầm non là viên chức trong điều kiện lao động bình thường là 61 tuổi đối với nam, 56 tuổi 4 tháng đối với nữ. Giáo viên mầm non là viên chức có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định.
Ngoài ra, giáo viên mầm non là viên chức cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu nếu có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và thuộc một số trường hợp đặc biệt.
Ngoài nội dung trên, Dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định về chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo. Theo đó, nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Thời gian kéo dài làm việc được đề xuất như sau: Nhà giáo có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; Nhà giáo có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm; Nhà giáo có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, cũng không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Trong thời gian này nếu nhà giáo có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giao-vien-mam-non-duoc-nghi-huu-som-bao-nhieu-nam-post576417.antd