Giáo viên phải thay đổi cách dạy khi có ChatGPT?
Tại tọa đàm khoa học 'Giáo dục và hệ sinh thái AI-GPT: Cơ hội và thách thức' do Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN), các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những tranh luận đa chiều về ChatGPT.
Ý kiến về ChatGPT vượt giới hạn về một giải pháp công nghệ
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm khoa học “Giáo dục và hệ sinh thái AI-GPT: Cơ hội và thách thức” ngày 23/2, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, ChatGPT là một chatbot do OpenAI phát triển, ngay từ đầu không nhằm mục đích sử dụng như một công cụ giáo dục.
ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để tạo ra văn bản giống như con người tạo ra, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được. Nó có thể được sử dụng để tạo gợi ý cho các bài viết mang tính sáng tạo, những cuộc trò chuyện thú vị hoặc đơn giản là để phục vụ nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, nó không được thiết kế để sử dụng cho mục đích dạy học.
“Tuy nhiên, trong thực tế sự tò mò, quan tâm, thậm chí có phần lo lắng của xã hội và những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trước sự hiện hữu của ChatGPT đã dấy lên những luồng ý kiến khác nhau, vượt qua cả giới hạn về nhận định của một giải pháp công nghệ”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhận định.
Theo GS Thanh, sự quan tâm của dư luận xã hội và các chuyên gia giáo dục trong thời gian qua cho thấy 3 nhóm vấn đề cần trao đổi, đó là:
Nên khách quan nhìn nhận những tác động chủ yếu thường được đề cập khi xuất hiện các giải pháp công nghệ mới như thế nào? Những tác động đến lĩnh vực giáo dục sẽ tạo ra các hiệu ứng gì ở các cấp độ khác nhau?
Cần phải làm gì để sẵn sàng thích ứng (thậm chí chủ động thích ứng) với các hiên tượng ChatGPT và những hiện tượng tiềm năng tương đương trong giáo dục, giới hạn nào cho các ứng dụng trong giáo dục trong những giai đoạn tới?
Nên hiểu về bản chất, cơ chế vận hành của ChatGPT để có những phương án đề xuất về mặt chính sách, kĩ thuật, kĩ năng sử dụng tích hợp các ưu điểm của ChatGPT trong thực tiễn giáo dục như thế nào?
Mục đích của buổi Tọa đàm là trên cơ sở lắng nghe thấu đáo các ý kiến phân tích, đánh giá, có thể đưa ra được những đề xuất, khuyến nghị với các nhà giáo dục, nhà khoa học và đội ngũ giảo viên về những cơ hội, thách thức và hành động trong tiếp cận các công nghệ giáo dục mới.
ChatGPT thay đổi quá trình dạy học
Tại buổi Tọa đàm, GS.TS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ những xu hướng mà trí tuệ nhân tạo (Al) tác động tới giáo dục.
Theo đó, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng AI như một công cụ chuyên dụng nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của cuộc sống. Công nghệ AI có thể cải thiện được năng lực trí tuệ của con người, AI cũng đang làm thay đổi cách truyền đạt kiến thức của người dạy và cách tiếp thu kiến thức của người học.
"Trong môi trường số, gia đình, nhà trường và xã hội đang cùng nhau tạo ra những thay đổi tác động lên giáo dục. Vậy chúng ta phải thay đổi cách làm, cách nghĩ như thế nào khi không chỉ có nhà trường, gia đình mà công nghệ cũng đang góp phần mang đến kiến thức cho người học?", GS. Hồ Tú Bảo nêu vấn đề.
Cùng quan điểm với GS.TS Hồ Tú Bảo, TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục cho hay, ChatGPT đã “phả một hơi rất nóng vào câu chuyện giáo dục”, làm thay đổi quá trình dạy học, quản lý; thay đổi nội dung dạy học; thay đổi về bối cảnh/phương thức/mô hình và mô thức giáo dục; thay đổi vai trò của giáo viên và học sinh.
Cụ thể, đối với việc thay đổi cách tiếp cận trong dạy học, quản lý, trước đây, dạy theo cách tiếp cận là cung cấp câu trả lời, thì giờ phải chuyển sang làm thế nào để người học đi tìm kiếm câu trả lời. Mà để tìm câu trả lời thì một trong những nhiệm vụ đầu tiên là người học phải biết đặt câu hỏi.
“Như vậy, giờ giáo viên hãy thay đổi cách dạy để khuyến khích, tạo động lực, làm thế nào để người học biết cách đặt câu hỏi, biết được những gì mình chưa biết, đó là cả một thách thức và sẽ thay đổi lại toàn bộ quá trình tiếp cận giáo dục, tiếp cận sư phạm”, TS Tôn Quang Cường cho hay.