Giếng làng trong văn hóa vùng miền của người Việt

Làng quê nay đã đô thị hóa nhiều, nhưng giếng làng vẫn được bảo tồn bên trong thôn xóm. Người dân vẫn xem đó là dòng nước linh nghiệm, là nơi cố kết tình yêu đôi lứa, tình yêu làng xóm.

Một mạch đi nhiều vùng miền Bắc vào đến miền Trung, di sản giếng làng vằng vặc nước khơi. Người miền Bắc xây dựng giếng làng với thiết chế cây đa, giếng nước sân đình. Và làng này với làng kia có ranh giới bằng tường cao, cổng kín. Nguyên nhân của sự việc này bắt nguồn từ tình yêu những giá trị gia truyền của làng mình các công dân trú ngụ trong đó không muốn phổ biến bí quyết làng nghề qua làng khác.

Và nhu cầu giếng làng được sinh ra, nó không chỉ phổ biến nhu cầu giao tiếp văn hóa làng kiểu tự cung tự cấp, mà ở giếng làng còn xoáy sâu các nhu cầu sinh hoạt thường ngày, và đó cũng là nơi các đề tài thời sự của phủ, tổng… được nói đến dưới dạng nhiều góc nhìn.

Khi du nhập vào miền Trung, giếng làng có cách định hình khác. Có 2 cách xuất hiện giếng làng. Một cách là cộng đồng dân cư có trước, sau đó những thầy địa lý tìm mạch nước theo thuật kinh dịch để khơi giếng làng, và đó được coi như long mạch của làng để con dân tấn tới trong hành trang xây đắp cuộc sống, học hành khoa bảng.

Một cách khác, người Việt kế thừa những mạch nguồn giếng nước người Chăm để lại từ mấy ngàn năm, rồi đưa vào đó cách sử dụng nguồn nước theo cách Việt. Người Chăm làm giếng vuông, người Việt tận dụng lòng giếng của người Chăm, bởi họ là bậc thầy về xử lý các mạch nước, cho dù hạn hán quanh năm giếng Chăm không bao giờ cạn, vẫn trong vắt và mát lạnh. Người Việt kế thừa vào đó với dấu ấn làm thêm miệng giếng bằng cách xây hình vòng tròn trên lòng giếng hình vuông.

Đó là kế thừa giao thoa văn hóa có tính tinh túy trong cộng đồng Việt, gọi là "gạn đục khơi trong". Và dọc dài làng của Bắc miền Trung, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ giếng làng thể hiện tính hữu dụng của nó cả về giá trị sử dụng và giá trị trầm tích văn hóa.

Vì lẽ đó, làng của người miền Trung không kín cổng, cao tường, mà làng này với làng kia định ranh giới bằng con đường nhỏ, hay hàng tre, hoặc nhà này định giới nhà kia bằng hàng dâm bụt và bụi chè tàu. Vì sao? Đó là cách của “tối lửa tắt đèn có nhau” của lưu dân Việt đi mở mang bờ cõi cho người Việt tiến xa về phía Nam từ xa xưa.

Nhưng có một cách đặc biệt mà giếng làng miền Trung tải vào lòng dân, là làng này cạn nước có thể sang làng kế bên xin nước. Cách chia sẻ nước nôi dẫn đến những trạng thái tình cảm khác nhau, cưu mang nhau, truyền thụ cảm hứng cho nhau, học hỏi nhau giữa các mảnh làng vừa được định hình giữa miền Trung. Từ chia nước, cho nước sẻ san nhường những vật dụng khác để rồi sau đó cả một vùng văn hóa được dựng lên, keo sơn, gắn bó.

Giếng làng lúc đó như thứ năng lượng cố kết lòng người, khơi gợi lòng yêu nước. Văn hóa làng từ đó như bất biến, các triều đại đổi thay dâu bể làng xã vẫn định hình gần như lưu cữu, mà ngày nay truyền thống làng vẫn bền chặt trên mọi vùng đất Việt. Giếng làng là nơi xếp lớp các giá trị văn hóa, là chứng nhân của thời đại, là trầm tích của các giá trị vỉa tầng bao đời người trải qua. Và đó là tình yêu, là tấm lòng của cộng đồng để bảo vệ quê hương đất nước.

Ở miền Trung giếng làng lưu giữ cho con người giá trị cuối cùng của hình ảnh bản quán khi rơi vào bế tắc. Giặc giã vào càn, giếng thành nơi lưu giữ những vật dụng thiết yếu. Khi cả làng đang nấu bánh chưng, giặc vào, người làng đưa bánh xuống giếng, vài tháng sau trở về, vớt bánh lên, nấu lại, vẫn ăn được, vẫn giữ được hương vị quê nhà.

Thiếu giếng làng là thiếu đi thành viên tâm linh, thành viên vật chất của văn hóa gia đình, văn hóa làng xã. Giếng làng tồn tại với những trái ngang càng làm tăng lên giá trị gấp bội của hình ảnh chiếc giếng linh nghiệm trong muôn vàn thế hệ người Việt.

Chính vì thế mà mọi làng xã của người miền Trung nơi nào cũng thờ thần giếng, thần nước, coi đó như mẫu hình tô tem bên cạnh thần đất, thần bếp. Nước đối kháng với lửa, nhưng nó là đạo được thờ vượng quan trọng như lửa.

Minh Phong

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/gieng-lang-trong-van-hoa-vung-mien-cua-nguoi-viet-post103452.html