Gieo chữ nơi đảo xa
Đầu năm 2025, từ quê hương Sơn La - nơi miền Tây Bắc xa xôi, tôi được tham gia cùng Đoàn công tác Vùng 4 Hải quân đến quần đảo Trường Sa, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Ở Trường Sa không chỉ có cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo, mà còn có những mái trường với các thầy giáo ngày ngày cần mẫn gieo mầm tri thức cho con em các hộ dân sinh sống và gắn bó với đảo xa.
Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nằm nhỏ xinh giữa những hàng cây bàng vuông xanh mát. Bước đến cửa lớp học, chúng tôi thấy có gần chục em học sinh lớn, nhỏ đang chăm chú lắng nghe thầy giáo giảng bài thơ “Em yêu Trường Sa”. Giữa tiếng sóng biển rì rào, những đôi mắt hồn nhiên, trong veo dõi theo từng câu thơ của thầy: Em yêu các chú hải quân/ Ngày đêm đứng gác hăng say quên mình/ Em yêu, yêu cả đất trời/ Yêu Trường Sa lắm, hỡi Trường Sa ơi!... khơi gợi tình yêu biển đảo Tổ quốc đối với thế hệ trẻ trên đảo xa.
Tranh thủ giờ ra chơi giữa buổi học, trò chuyện với thầy giáo Lê Thanh Chiến, chúng tôi mới hiểu thêm về những đặc thù riêng có của sự học nơi đảo xa. Thầy Lê Thanh Chiến chia sẻ: Cả trường có 8 học sinh, với 2 giáo viên nam giảng dạy đủ 5 lớp bậc tiểu học. Khi học hết lớp 5, các em sẽ trở về đất liền để tiếp tục theo học các cấp cao hơn. Do có ít học sinh, nên các em được ghép thành 2 nhóm lớp, gồm: Nhóm từ lớp 1 đến lớp 3 và nhóm lớp 4, 5. Nhóm này làm bài tập, thì thầy giáo lại ra đề, hoặc tập viết, tập đọc cho nhóm kia rồi đổi lại. Ngoài việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chúng tôi chú trọng việc giáo dục chủ quyền biển đảo cho các em học sinh.
Thầy giáo trẻ Bùi Tuấn Anh, sinh năm 1998, đã có 2 năm dạy học tại xã đảo Song Tử Tây. Ngày mới nhận công tác tại đảo, anh còn phụ trách thêm một lớp mầm non với 2 bé 4 tuổi. Chưa lập gia đình, lại là giáo viên nam nên anh gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy và chăm sóc trẻ nhỏ. Không ít lần, thầy phải liên lạc với đồng nghiệp ở đất liền để học hỏi thêm kỹ năng nuôi dạy trẻ mầm non.
Thầy Bùi Tuấn Anh bộc bạch: Được cống hiến sức trẻ để chắp cánh ước mơ tri thức cho trẻ em ở quần đảo Trường Sa thân yêu là niềm tự hào đối với tôi. Nơi đảo xa, điều kiện học tập thiếu thốn nhưng các con rất ham học. Vì vậy, chúng tôi luôn gắng sức truyền thụ tốt nhất từ kiến thức đến kinh nghiệm, kỹ năng, ứng xử. Nhất là bồi đắp tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, hình tượng chú Bộ đội Cụ Hồ cho học sinh qua những bài thơ, câu chuyện và trang sách. Để mai này khi trở về đất liền, các học trò sẽ nhớ, sẽ tự hào về những tháng ngày được sống và học tập ở Trường Sa.
Năm 2015, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và tình cảm của nhân dân đất liền, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây được xây dựng khang trang với 3 phòng học và 1 phòng thư viện. Để nâng cao chất lượng giáo dục, các thầy giáo đã tận dụng mọi thứ có trên đảo, như: Sách, báo, ti vi, các hình ảnh trực quan sinh động để tích hợp vào tiết dạy, tạo sinh động và hứng thú cho các em. Trên đảo không có internet, các thầy giáo nghĩ ra cách dùng USB copy các video, rồi sử dụng ti vi để chiếu cho các em học sinh xem. Dù ở đảo xa, nhưng các em vẫn được tiếp cận và trau dồi kiến thức các môn: Tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật... những tiết học cũng vì thế mà trở nên thú vị.
Ở Trường Tiểu học xã Song Tử Tây chỉ có 8 học sinh, các em như những bông hoa nhỏ giữa đảo xa, thân nhau như anh em một nhà. Tại lớp học, tên và ngày sinh nhật của các em được các thầy ghi trên bảng, đặt trang trọng giữa lớp. Với các em, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Em Nguyễn Khang Nguyên, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, bày tỏ: Thầy giáo dạy rất nhiều môn, nhưng con thích học nhất môn tiếng Việt. Mai này lớn lên, con muốn làm thầy giáo dạy học ở đảo Trường Sa.
Được nghe những câu chuyện về sự nghiệp giáo dục tại đảo Song Tử Tây, chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh dạy học tại các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh miền núi Sơn La. Nơi đó cũng có những thầy, cô giáo đã và đang cống hiến cả tuổi xuân để ươm mầm tri thức, chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo nơi vùng cao gian khó. Dù ở miền núi hay hải đảo, tình yêu nghề và nhiệt huyết của các thầy, cô giáo đang từng ngày góp phần ươm lên những mầm xanh tương lai cho Tổ quốc.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/gieo-chu-noi-dao-xa-36npy0FNR.html