'Gieo chữ' ở Giàng Trù A
Ngày nào cũng vậy, dù nắng gắt hay mưa rào, các thầy, cô giáo ở điểm trường thôn Giàng Trù A, xã Du Già (Yên Minh) cũng khoác ba lô, chuẩn bị sẵn áo mưa, khi thì mang theo mỳ tôm, lúc lại bánh kẹo, sữa, quần áo… vượt gần 10 km từ trung tâm xã đến thôn, mang theo trách nhiệm 'trồng người', tình yêu nghề, mến trẻ, sự sẻ chia tri thức truyền dạy cho học sinh nơi đây.
Cô giáo Nguyễn Thị Sy và Trần Thị Thủy cùng dạy tại điểm trường Giàng Trù A chia sẻ: Năm học này là năm thứ 2 chúng em dạy ở đây. Cả điểm có 6 giáo viên (5 nữ, 1 nam) nhưng tất cả đều ở trung tâm xã nên mỗi ngày để đến lớp đúng giờ đều phải dậy trước 6 giờ sáng mới kịp. Đến thôn phải mất 20 phút đi xe máy rồi bỏ xe lại ven đường đi bộ thêm gần 1 tiếng nữa. Hơn 2 km đường vào thôn là đường đất, đá nên trời nắng đi còn dễ, mưa thì trơn trượt rất khó đi và mất thời gian. Nhưng chỉ cần nghĩ đến, có thể truyền dạy kiến thức cho các cháu, mỗi ngày đến lớp đều là một ngày vui và kỷ niệm đáng nhớ với chúng em.
Giàng Trù A là một trong những thôn xa nhất của xã Du Già, cách trung tâm xã gần 10 km, đường bê tông chưa đến được trung tâm thôn. Nơi đây là vùng lõm của sóng di động nên chỗ có chỗ không, các hộ dân sống rải rác và chia làm 2 tổ dân cư cách xa nhau nên điều kiện tiếp cận, trao đổi thông tin, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trưởng thôn Vàng Mí Sính cho biết: Thôn có 85 hộ, 478 khẩu, 100% là dân tộc Mông. Toàn thôn chỉ có 4 lao động đi làm việc ngoại tỉnh, còn lại bà con phát triển kinh tế dựa vào trồng ngô, đậu tương và chăn nuôi bò. Dù được tuyên truyền thường xuyên nhưng nhận thức của người dân chậm chuyển đổi, phần lớn các gia đình vẫn sinh con thứ 3 và còn xảy ra tình trạng tảo hôn, vì vậy nghèo, khổ vẫn đeo bám các hộ. Hiện toàn thôn có tới 82 hộ nghèo, cận nghèo, chỉ có 3 hộ không nghèo.
Trong chuyến công tác tại Du Già tháng 10 vừa qua, có dịp đến Giàng Trù A, chúng tôi mới thấm sự nhọc nhằn của những “người lái đò” ở vùng sâu, vùng xa để “gieo chữ” cho con em đồng bào các dân tộc nơi đây. Ở những địa phương khác, có thể giáo viên bám thôn bản xa, khó khăn sẽ ở lại điểm trường, một tuần xuống núi một lần. Nhưng ở Du Già, phần lớn các thầy cô có gia đình ở trung tâm xã, ngoài việc lên lớp còn gánh trách nhiệm chăm sóc, phụ giúp gia đình nên họ đều cố gắng đi, về trong ngày. Cũng vì thế sự vất vả lớn hơn. Nhờ chương trình xây dựng NTM, gần 7 km đường từ trung tâm xã đến Giàng Trù A qua các thôn Làng Khác A, Làng Khác B, Giàng Trù D, Giàng Trù C đã được bê tông, nhưng còn khoảng 2 km chưa được cứng hóa. Đây là đoạn đường khó nhất, ngược theo những con dốc dựng đứng, lởm chởm đá, nhiều đoạn cỏ cây mọc kín lối đi, vì thế chỉ có thể bỏ lại xe máy và “cuốc bộ”. Với những người quen đường, sức khỏe tốt, đi một mạch không nghỉ phải mất 30 - 40 phút, còn bình thường đi gần 1 tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Điểm trường Giàng Trù A hiện có 6 phòng học, 1 phòng lưu trú cho giáo viên nghỉ trưa, với 58 học sinh mầm non và 75 học sinh tiểu học. Từ năm học 2019-2020 về trước, điểm trường vẫn là nhà tạm bằng gỗ xuống cấp. Điều kiện học tập còn nhiều khó khăn. Từ giữa năm 2020 đến nay, điểm trường đã được xã hội hóa xây dựng 3 phòng cấp 4, 4 gian nhà lắp ghép; khuôn viên tường bao, sân chơi cũng được cứng hóa giúp học sinh và giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp, đáp ứng tốt hơn các điều kiện dạy và học.
Tuy nhiên, các thầy, cô giáo nơi đây trăn trở: “Thôn được chia làm 2 tổ, các hộ dân sống thưa thớt, chia cắt, học sinh mầm non và lớp 1, lớp 2 còn nhỏ, đường đến trường khó khăn, nguy hiểm, trời mưa các cháu ở xa rất vất vả khi đến lớp, nhiều cháu không thể đi học đều. Ngoài ra, bà con trong thôn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nên chưa quan tâm nhiều đến các em. Dù thường xuyên đến tận nhà vận động nhưng còn nhiều trẻ trong độ tuổi đi học vẫn không đến lớp. Đồ dùng, đồ chơi cho bậc mầm non còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu học và chơi của các cháu…”. Vì thế, mỗi ngày lên lớp, các thầy, cô đều bỏ tiền riêng hoặc vận động xã hội hóa để mua đồ ăn, sữa, đồ chơi, đồ dùng học tập, quần áo tặng các cháu, với mong muốn giúp các em có thêm niềm vui để ngày nào cũng thích tới lớp, duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học.
Rời Giàng Trù A khi mặt trời bắt đầu xuống núi. Khi điểm trường đã khuất sau những con dốc nhưng âm thanh từ những bài hát, câu thơ, phép tính các thầy, cô dạy học sinh vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi. Những nụ cười rạng rỡ của các cháu khi được thầy cô tặng sữa, bánh kẹo; những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của học sinh vẫn hiện rõ trong tâm tưởng mỗi người khiến chúng tôi càng cảm nhận rõ sự hy sinh, công lao to lớn của các thầy, cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” nơi biên cương cực Bắc.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202112/gieo-chu-o-giang-tru-a-785149/