Gieo chữ ở Trường Sa

Ở nơi “đầu sóng ngọn gió” như Trường Sa, những bộ sách giáo khoa, máy tính, trang thiết bị dạy học… tới được đảo xa phải theo những chuyến tàu vượt qua hàng trăm hải lý. Khắc phục mọi khó khăn, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, sự chung tay của nhân dân cả nước, cơ sở vật chất, hệ thống giáo dục ở Trường Sa ngày càng đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy và trò trong dạy và học.

Thầy và trò của Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Thầy và trò của Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Cần mẫn gieo mầm tri thức

Đến các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa), bên cạnh hình ảnh bộ đội hăng say luyện tập, người dân tích cực lao động sản xuất, điều chúng tôi ấn tượng là những tiếng đọc bài, học chữ, đọc thơ… vang lên trong các lớp học giữa tiếng sóng biển rì rào: Em yêu các chú hải quân/Ngày đêm đứng gác hăng say quên mình/Em yêu, yêu cả đất trời/Yêu Trường Sa lắm, hỡi Trường Sa ơi!... Dưới những tán cây phong ba, bàng vuông, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, Trường Tiểu học xã Sinh Tồn hôm nay được đầu tư xây dựng khang trang. Tuy điều kiện công tác nơi đảo xa không thể bằng đất liền, nhưng những năm qua, các giáo viên vẫn cần mẫn gieo mầm tri thức nơi đảo xa.

Thầy Phan Văn Tuấn giảng dạy cho học trò về chủ quyền biển, đảo.

Thầy Phan Văn Tuấn giảng dạy cho học trò về chủ quyền biển, đảo.

Thầy Lê Thanh Chiến - giáo viên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây chia sẻ, đến nay, thầy đã ra đảo công tác được 2 năm. Điều khác biệt ở các lớp học nơi đây là giáo viên dạy theo lớp ghép nhiều độ tuổi từ mẫu giáo đến lớp 5. Ban đầu ra đảo còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen, nhưng nhờ các giáo viên từng giảng dạy ở đảo truyền kinh nghiệm, thầy Chiến cũng đã nắm được phương pháp, sắp xếp để các em học xen kẽ nhau. Cùng với việc dạy các môn theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên còn giảng dạy những kiến thức về biển, đảo nơi các em đang sinh sống, học tập để giúp các em hiểu, biết ơn và thêm yêu quê hương, đất nước.

Học sinh học tập tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Học sinh học tập tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Ra dạy học tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây được 2 năm, thầy giáo trẻ (sinh năm 1998) Bùi Tiến Anh luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi được công tác ở quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Thầy Anh chia sẻ, học sinh trên đảo rất ngoan, lễ phép và hiếu học. Các phụ huynh cũng rất quan tâm, hằng ngày đều trao đổi với giáo viên về việc học hành, bài tập về nhà của con em mình. Những ngày cuối tuần, giáo viên ở đảo lại đến từng nhà học sinh để trò chuyện, tăng thêm tình cảm gắn bó giữa thầy và trò.

Thầy Phan Văn Tuấn (sinh năm 1968), công tác tại Trường Tiểu học xã Sinh Tồn cho biết, ra đảo, các thầy luôn cố gắng hết mình để gieo chữ cho các học sinh. Công tác dạy và học trên đảo ngày càng được đầu tư bài bản. Cùng với các bộ sách giáo khoa được cung cấp đầy đủ hằng năm, các lớp học đều có ti vi, giáo án điện tử…, qua đó giúp các em có những bài học sinh động, sôi nổi hơn. Chỉ huy đảo, cán bộ, chiến sĩ, phụ huynh luôn dành sự quan tâm, giúp các thầy an tâm giảng dạy.

Tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học trên đảo

Em Nguyễn Khang Nguyên (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học xã Song Tử Tây) chia sẻ: “Những năm qua, em được thầy giáo dạy rất nhiều môn học, học thêm được nhiều điều mới mẻ. Các thầy rất hiền, bài nào chúng em chưa hiểu, thầy đều giảng lại nhiều lần. Các chú bộ đội trên đảo cũng rất hay chơi với chúng em. Em mong muốn được tiếp tục học thêm nhiều kiến thức để sau này trở thành một nhà khoa học”.

Chị Mai Thị Úc Lan (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học xã Sinh Tồn) cho biết, tuy việc học ở đảo vẫn còn những khó khăn, chưa được đủ đầy như trong đất liền, nhưng bù lại ngoài kiến thức được học, các cháu được trải nghiệm môi trường quân và dân trên đảo; học được các kỹ năng trong quân đội rất hữu ích. Chỉ huy đảo thường xuyên đến động viên các cháu học hành, hỗ trợ đến lớp. Về nhà, các cháu thường xuyên kể cho bố mẹ nghe về việc học ở lớp, rất hứng thú khi đến trường. Điều đó khiến chị cảm thấy rất yên tâm khi con cái được học tập, rèn luyện và trưởng thành.

Học sinh vui chơi tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Học sinh vui chơi tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Ông Cao Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự chung tay của nhân dân cả nước trong công tác giáo dục nên hiện nay, các trang thiết bị, sách vở dạy học trên đảo đều đầy đủ. Các giáo viên được đào tạo chuyên ngành, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật kịp thời các bộ sách mới, đưa vào giảng dạy cho phù hợp với điều kiện ở biển, đảo. Hằng năm, chính quyền, quân dân trên đảo vẫn tổ chức các buổi tuyên dương học sinh giỏi để khích lệ tinh thần học tập, tổ chức sinh nhật cho các em. Những sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục ở xã đảo Song Tử Tây nói riêng và huyện đảo Trường Sa nói chung là động lực to lớn cho thầy cô, quân và dân huyện đảo an tâm công tác, gắn bó, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202502/gieo-chu-o-truong-sa-e3c2ece/