Gieo tình yêu bài chòi
Gần 3 tuần qua, các nghệ nhân bài chòi thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa đã đến nhiều trường học trong tỉnh để giới thiệu, trình diễn nghệ thuật bài chòi dân gian. Đây là cách để gieo mầm tình yêu loại hình nghệ thuật truyền thống này đến học sinh.
Buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) vừa qua khác với lần trước khi có sự xuất hiện của các nghệ nhân bài chòi. Trong những bộ trang phục truyền thống, các nghệ nhân từng bước giới thiệu cho học sinh về nguồn gốc ra đời của nghệ thuật bài chòi dân gian, các loại hình nghệ thuật bài chòi, cách chơi bài chòi, các làn điệu dân ca được sử dụng trong bài chòi… Bên cạnh đó, học sinh còn được xem trích đoạn dân ca bài chòi Đề cờ nương tử có nội dung về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sôi nổi nhất là phần tái hiện hội chơi bài chòi với sự tham gia trực tiếp của học sinh. Cầm trên tay những thẻ bài, các em cùng hòa vào những làn điệu hô hát bài chòi vui nhộn nhưng cũng ẩn chứa những câu từ đầy ý nghĩa. Tiếng mõ hòa cùng tiếng vỗ tay theo nhịp điệu của từng câu hát đã làm cho không gian sân trường náo nhiệt hơn. Mỗi khi chú Hiệu hô quân bài mình có trong tay, tiếng gõ mõ của người chơi lại trở nên dồn dập hơn để kịp nhận quân bài về mình. Một sân khấu nhỏ với những đạo cụ đơn giản cũng đủ để thu hút các bạn trẻ tham gia vào loại hình nghệ thuật được ông cha truyền lại. “Em thấy bộ môn bài chòi rất hay. Các làn điệu và nội dung câu hát nghe thật gần gũi... Qua buổi hôm nay, em đã biết thêm về nghệ thuật bài chòi và mong sẽ có thêm nhiều hoạt động như thế này”, em Huỳnh Đặng Quốc Trung - học sinh lớp 10A3 cho biết.
Hoạt động sân khấu học đường đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện từ ngày 28-9 đến 16-10. Trong đợt này, có 15 trường THCS và THPT ở các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh được chọn để thực hiện. Việc làm này bước đầu đã nhận được sự ủng hộ và phản hồi tốt từ giáo viên, học sinh ở các trường. “Tôi thấy đây là hoạt động ngoại khóa rất bổ ích cho học sinh, giúp các em chủ động hơn trong việc tiếp cận nghệ thuật dân gian. Các em nắm được cách trình diễn của nghệ nhân trên sân khấu, từ đó gợi niềm yêu thích trong học sinh. Tôi rất mong hoạt động này được diễn ra thường xuyên hơn để khơi dậy tình yêu nghệ thuật bài chòi nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung trong học sinh”, cô Trần Thị Thu Trang - giáo viên Ngữ văn Trường Ischool Nha Trang cho biết. Cô Nguyễn Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật cho rằng, việc đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học rất có ý nghĩa. Học sinh có dịp được tiếp xúc thực tế với loại hình này để từ đó thêm hiểu, thêm yêu di sản văn hóa của cha ông để lại. Trong bối cảnh hiện nay, việc chúng ta dần dần đưa bài chòi đến học sinh, đến thế hệ trẻ là việc làm đúng. Nhà trường luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện cần thiết để những hoạt động như thế này diễn ra ở trường”.
Theo bà Nguyễn Duy Tường Vi - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, việc đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học là một hoạt động nhằm thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thông qua hoạt động sân khấu hóa với thời lượng 45 phút, học sinh sẽ được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về nghệ thuật bài chòi, xem trích đoạn dân ca bài chòi và tham gia hội chơi bài chòi. Những nội dung trên đều được xây dựng trên tinh thần vui tươi, sôi nổi, vừa chơi vừa học nhằm tạo sức lôi cuốn đối với học sinh. Qua đó, gia tăng sự cảm nhận của thế hệ trẻ đối với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Để thực hiện các nội dung trên, trung tâm đã mời nghệ sĩ Nguyễn Tứ Hải - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tham gia giới thiệu nguồn gốc của nghệ thuật bài chòi, hát những làn điệu cơ bản để học sinh dễ tiếp cận. Cùng với đó là hoạt động biểu diễn trích đoạn bài chòi, hướng dẫn các em hô hát bài chòi của các nghệ nhân thuộc Câu lạc bộ bài chòi dân gian của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.
Với sự hưởng ứng của học sinh, sự ủng hộ của nhà trường, có thể thấy hoạt động đưa bài chòi vào học đường đang đi đúng hướng. Hy vọng rằng thời gian tới, ở các trường học sẽ xuất hiện những mô hình câu lạc bộ bài chòi của học sinh, để tình yêu bài chòi được lan tỏa bền vững và nghệ thuật bài chòi có chỗ đứng trong lòng mỗi người, nhất là thế hệ trẻ.
Giang Đình
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202010/gieo-tinh-yeu-bai-choi-8188873/