Gìn giữ câu ca Quan họ cổ Bắc Ninh
Làng Châm Khê, phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), từ lâu đã nổi danh là một trong những cái nôi của di sản văn hóa phi vật thể Quan họ Bắc Ninh. Mảnh đất được ví như một 'bảo tàng sống' lưu giữ trọn vẹn những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.
Là một trong 49 làng quan họ gốc của vùng Kinh Bắc, Châm Khê, còn có tên nôm là làng Bùi, từ bao đời nay vẫn tự hào là nơi sản sinh và lưu truyền nghệ thuật quan họ cổ với những nét riêng khó trộn lẫn.

Ông Nguyễn Trọng Cau (trái), Chủ tịch Câu lạc bộ Quan họ Châm Khê hát quan họ trong ngày Hội.
Không chỉ có truyền thống lâu đời, Châm Khê còn là nơi sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân tiêu biểu như cụ Nguyễn Trọng Ngữ, Nguyễn Trọng Cầu, Nguyễn Trọng Ích, sau này là các cụ Nguyễn Thị Khai, Nguyễn Công Dứa, Nguyễn Công Lụt, Nguyễn Thị Bí... Họ là những liền anh, liền chị không chỉ hát hay, thuộc nhiều câu nhiều giọng, mà còn là người giữ lửa, truyền dạy cho thế hệ sau những tinh túy của quan họ cổ.
Quan họ Châm Khê có phong cách rất riêng, khác biệt với nhiều làng quan họ khác. Trước kia, làng có bốn bọn quan họ, mỗi bọn đều có những đặc trưng riêng trong cách xướng hát. Đặc biệt, các liền anh, liền chị nơi đây nổi tiếng vì thuộc nhiều câu hát cổ, kể cả những câu khó đã bị mai một ở nhiều nơi suốt hàng chục năm qua.
Một số câu quan họ cổ chỉ còn được lưu giữ tại Châm Khê, như “trúc trúc mai mai”, “hòn đá đổ xô”, “nhìn sang chốn bến giang hà”... Chính bởi vậy, nhiều làng quan họ khác đã tìm đến Châm Khê để học hỏi. Ông Nguyễn Trọng Cau, Chủ tịch Câu lạc bộ Quan họ Châm Khê, tự hào chia sẻ rằng: “Các làng đều công nhận Châm Khê lưu truyền nhiều câu quan họ cổ độc đáo, và họ phải tới đây để học.”

Làng Châm Khê hiện nay có một câu lạc bộ quan họ trên 30 thành viên.
Cách hát ở Châm Khê cũng có kỹ thuật riêng biệt. Ví dụ, với những câu có yếu tố “bỉ”, nếu như ở nơi khác chỉ cần hai chữ là kết thúc, thì ở Châm Khê, “bỉ” kéo dài tới bốn đến năm chữ, đòi hỏi kỹ thuật lấy hơi sâu và xử lý câu hát linh hoạt.
Người hát phải hoàn thành toàn bộ phần “trổ” mới được dừng, không được tự do ngắt câu giữa chừng. Chính vì thế, quan họ Châm Khê thường hát theo cặp để “đỡ” hơi cho nhau, nhất là ở những câu trổ dài, giữ đúng nhịp, đúng giọng.
Mỗi khi mùa hội chùa Bùi đến, cả làng Châm Khê lại rộn ràng trong không khí lễ hội. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai nấy đều háo hức tham gia, hòa mình vào bức tranh hội hè rực rỡ, nơi truyền thống và hiện đại giao hòa.
Ngay từ sáng sớm, các liền anh, liền chị đã chỉnh tề khăn xếp, áo the, áo mớ ba mớ bảy, khăn mỏ quạ... Giao tiếp trong hội cũng đặc sệt “chất quan họ”, từ cách xưng hô đến cử chỉ. Những bà cụ gần 80 tuổi vẫn nhẹ nhàng xưng “em” khi trò chuyện, mang nét duyên dáng, khiêm nhường đậm đà bản sắc.
Tại lễ hội, du khách còn được thưởng thức “quan họ Phật giáo”, một nhánh trong hệ thống lề lối chơi quan họ truyền thống, tập hợp những lời ca, câu hát liên quan đến Phật giáo, được thể hiện trang nghiêm trong không gian chùa làng.
Ngoài ra, làng Châm Khê còn mời các câu lạc bộ quan họ khác về giao lưu, tạo nên sự cộng hưởng sinh động, thu hút du khách, đồng thời làm mới quan họ cổ trong đời sống đương đại.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Công Dứa, một liền anh nổi tiếng của làng, vẫn giữ nguyên sự say mê với quan họ. Từ thuở nhỏ, ông đã được cha chú truyền dạy, và sớm rong ruổi khắp các làng quan họ để nghe, học, giao lưu.
Ông và liền anh Nguyễn Công Lụt từng là cặp "anh hai" nổi tiếng đồng điệu, hát ăn ý đến mức “không thua bạn một câu, kém một lối”, đi hát khắp các hội làng. Khi bạn hát tuổi cao, sức yếu, ông Dứa cũng ít tham gia biểu diễn hơn, nhưng niềm đam mê quan họ trong ông vẫn cháy bỏng.

Những liền chị, liền anh làng Châm Khê đã góp phần giữ di sản quan họ.
Dù tuổi cao, sức yếu, những ngày hội chính ông không thể ra đình, nhưng trong căn nhà nhỏ của mình, bên bàn nước, ông vẫn kể chuyện quan họ say sưa, với chất giọng trầm vang, chắc khỏe, đúng chất “vang, rền, nền, nảy”.
Ông chia sẻ: “Ông Lụt là bạn hát với tôi suốt cả chục năm. Chúng tôi người dẫn, người luồn, hiểu nhau từng cách bắt hơi, nhả chữ. Câu hát lúc nào cũng đầy đặn, vừa vang vừa nảy. Sau khi ông ấy không còn hát được nữa, tôi vẫn truyền dạy, nhưng ít khi hát lại, vì thiếu bạn.”
Ca sĩ Thúy Hoàn, người con của làng Bùi hiện đang sống tại nước ngoài, cũng trở về hội làng. Tự hào về quê hương, chị chia sẻ: “Hát cổ là lối hát không cần nhạc cụ hỗ trợ, vậy mà vẫn truyền cảm, thấm thía. Nhiều người ở xa về Bắc Ninh mùa hội Lim chỉ để nghe cho được câu quan họ cổ, vì họ đã lỡ yêu, lỡ say những làn điệu ấy rồi.”
Chị còn tâm sự: “Bài hát quan họ nào cũng thể hiện khát vọng yêu thương. Ngày xưa, các trại quan họ có thể yêu nhau nhưng không lấy nhau, vì các cụ tinh tế lắm, nghĩ rằng nếu lấy nhau rồi thì lo cơm áo gạo tiền, làm sao còn hát được những câu như 'Trăm năm em xin đợi, ngàn năm em xin chờ'. Vì thế mà tình yêu quan họ cứ mãi tha thiết, mỗi mùa hội Lim gặp nhau lại cất lời ca tình tứ, rồi lại giã bạn, hẹn mùa sau...”
Hiện nay, làng Châm Khê có một Câu lạc bộ Quan họ với hơn 30 thành viên, là lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật quan họ cổ. Các thành viên đủ mọi lứa tuổi, trong đó lớp nghệ nhân từ 60 tuổi trở lên không chỉ hát hay mà còn am hiểu sâu sắc lề lối, tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Những nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Khai, ông Nguyễn Công Dứa, ông Nguyễn Công Lụt, bà Nguyễn Thị Bí... đã nhiều lần tham dự các cuộc thi, liên hoan quan họ cấp tỉnh, đoạt giải cao và dành nhiều tâm huyết truyền dạy lại vốn quý cho lớp kế cận.
Từ năm 2023, Câu lạc bộ Quan họ Châm Khê mở thêm lớp măng non, dạy quan họ cho hơn 20 học sinh từ 8 đến 15 tuổi. Đến nay, các em đã hát khá thành thạo. Tuy nhiên, lớp học mới chỉ duy trì được vào dịp hè, học vào buổi tối tại trường, do chưa có không gian tập luyện ổn định. Còn lại, các hoạt động truyền dạy chủ yếu diễn ra trong gia đình.
Mong mỏi lớn nhất của các nghệ nhân Châm Khê là có được một địa điểm riêng để duy trì lớp học quan họ thường xuyên hơn. Với tâm huyết của các nghệ nhân và sự đồng lòng của cộng đồng, quan họ cổ Châm Khê hứa hẹn sẽ tiếp tục bay cao, vươn xa, để những làn điệu mượt mà ấy mãi ngân vang trong lòng người.
Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/gin-giu-cau-ca-quan-ho-co-bac-ninh-475498.html