Gìn giữ chiêng Mường như 'vật báu hồn thiêng'
Dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh hiện có trên 40 lễ hội lớn thì trong đó có tới 90% lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Với người Mường Hòa Bình, chiêng không đơn thuần chỉ là một loại nhạc cụ dân tộc mà còn là 'vật báu hồn thiêng', là câu chuyện tâm linh được thể hiện qua 12 âm sắc dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mãnh liệt nhờ được gìn giữ trong chính cộng đồng sản sinh ra nó.
Ở Mường Vang - Lạc Sơn, các giá trị văn hóa trong đó có chiêng Mường đang được gìn giữ và phát triển bằng tình yêu, niềm tự hào của người dân địa phương. Chị Bùi Thị Biện - người dân xóm Mường Hạ, xã Định Cư chia sẻ: Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở Mường Vang – nơi được coi là vùng lõi của văn hóa Mường tỉnh Hòa Bình nên thấm nhuần các giá trị văn hóa bản địa. Đặc biệt, là phụ nữ Mường, tôi yêu tha thiết các làn điệu dân ca, biết hát Thường rang, Bọ mẹng, biết đánh chiêng Mường. Trong các dịp lễ hội được tổ chức tại vùng Mường Vang quê tôi, câu hát séc bùa hòa cùng tiếng chiêng Mường ngân vang khiến những người con xứ Mường cảm thấy hân hoan, hạnh phúc, vừa tự hào vừa có thêm quyết tâm gìn giữ chiêng Mường như báu vật.
Quả thật, người Mường Vang nói riêng hay người Mường ở Hòa Bình nói chung đều coi chiêng như vật thiêng của trời đất ban tặng chứ không đơn thuần chỉ là nhạc cụ dân tộc. Tiếng chiêng là linh hồn của văn hóa, vang vọng ba tầng trời, vang đến tận đất Mường ma. Tiếng chiêng thông linh, gọi tổ gọi tiên, rằng: "Nghe tiếng chiêng này, ban ngày biết đường ăn đường uống, ban đêm biết đường xuống đường lên…”. Người Mường đã ngấm âm thanh ấy từ trong bụng mẹ. Khi ra đời, tiếng chiêng báo tin vui. Khi về với đất, tiếng chiêng dẫn đường đưa lối. Người Mường quan niệm mỗi chiếc chiêng đều có thần, có hồn. Đây không chỉ là loại hình nghệ thuật đặc sắc, phổ biến và có sức lan tỏa nhất trong đời sống văn hóa của người Mường, mà còn là "vật báu hồn thiêng”, là không gian văn hóa thể hiện những giá trị tâm linh sâu sắc.
Trong nhà của Nghệ nhân ưu tú Bùi Ngọc Thuận (xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong), góc trân quý nhất có treo một bộ chiêng Mường. Không chỉ trưng bày như vật báu, bộ chiêng còn được ông sử dụng để truyền dạy cho thế hệ sau. Ông Thuận quan niệm: "Là người Mường phải biết đánh chiêng Mường”. Nên, với tư cách là nghệ nhân duy nhất của huyện đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian), ông Thuận dồn tâm huyết cho việc truyền dạy đánh chiêng, từ cách cầm chiêng, phân nhịp, đến cách cảm thụ tiếng chiêng, cách phân biệt các làn điệu chiêng Mường so với các loại hình văn hóa cồng chiêng khác… Với mong muốn lan tỏa tình yêu chiêng Mường, ông Bùi Ngọc Thuận tham gia tích cực vào các chương trình, kế hoạch của huyện nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhiệt huyết và đầy trí tuệ, hình ảnh của ông thường gắn liền với chiếc chiêng Mường trên tay. Ông nhiệt tình tham gia CLB liên thế hệ xóm Bưng, là Chủ nhiệm CLB hát dân ca Mường của xã, Chủ nhiệm CLB Mo Mường Thàng, từ đó, trở thành hạt nhân cốt lõi trong hành trình gìn giữ, phát huy giá trị của chiêng Mường.
Được biết, tại huyện Cao Phong hiện nay, xã nào cũng có đội trình tấu chiêng Mường. Các đội thường tập luyện bài chiêng truyền thống để vào những dịp quan trọng như lễ kỷ niệm, lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa… tiếng chiêng lại vang lên một cách đầy tự hào. Người già dạy người trẻ, bố mẹ dạy lại con, người có nhiều kinh nghiệm hơn thì truyền dạy cho những tay chiêng mới. Cứ như vậy, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, chiêng được gìn giữ trong cộng đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 3.000 chiếc chiêng, trong đó, Hợp Phong và Dũng Phong là 2 xã có số lượng chiêng nhiều nhất.
Trên phạm vi toàn tỉnh, chiêng Mường đang được gìn giữ và phát huy giá trị để xứng tầm một Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo số liệu kiểm kê của ngành VH-TT&DL: Toàn tỉnh còn lưu giữ trên 11.000 chiếc chiêng, nhiều nhất ở 4 huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong và thành phố Hòa Bình. Đối với người Mường, chiêng không đơn thuần là một loại nhạc cụ dân tộc. Ẩn chứa trong mỗi bộ chiêng, bài chiêng còn là một câu chuyện văn hóa… Đáng mừng là những năm gần đây, cộng đồng người Mường đã chú trọng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này. Chính tình yêu của cộng đồng người Mường - những chủ nhân thực sự của chiêng Mường - đã tạo môi trường "sống” cho tiếng chiêng Mường vang xa, lan tỏa, trở thành một bản sắc văn hóa trường tồn.
Trong nỗ lực gìn giữ một báu vật văn hóa tiêu biểu hàng đầu của người Mường Hòa Bình, hoạt động truyền dạy chiêng Mường được các cấp, ngành quan tâm. Ngành GD&ĐT đã tích cực phối hợp với địa phương đưa công tác truyền dạy cho học sinh các nhà trường. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở cơ sở cũng triển khai các lớp truyền dạy chiêng Mường. Hàng năm, toàn tỉnh mở hàng chục lớp tập huấn, truyền dạy về chiêng cho đội văn nghệ các xóm, xã. Đến nay, tỉnh đã thành lập được hàng trăm CLB gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị chiêng Mường… Với sự quan tâm đặc biệt dành cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều hoạt động lễ hội đã được diễn ra với quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh. Trong hầu hết lễ hội, không thể thiếu các màn diễn xướng chiêng Mường. Tiếng chiêng đã trở thành âm thanh quen thuộc trong các ngày hội văn hóa, hội diễn, hội thi, các sự kiện lớn của tỉnh và địa phương, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách, xứng đáng là niềm tự hào bậc nhất của cộng đồng người Mường tỉnh Hòa Bình.