Gìn giữ di sản văn hóa quê hương
Mảnh đất Phố Hiến - Hưng Yên có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo mà không phải địa phương nào cũng có. Cùng với việc gìn giữ, bảo tồn “kho báu” văn hóa ông cha trao truyền từ nghìn năm trước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã đồng thuận triển khai nhiều hoạt động thiết thực để phát huy, nhân lên giá trị, hiệu quả các di sản văn hóa truyền thống, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, phát triển du lịch được xác định là hướng mở triển vọng, bền vững… Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.800 di tích các loại, trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 175 di tích xếp hạng cấp quốc gia (là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia), 264 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 6 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; hơn 500 lễ hội, 147 làng nghề truyền thống, 243 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, ngụ ngôn, truyện cổ tích, hát ru, văn tế; 36 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Xác định bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhiều công trình nghiên cứu, khảo cứu về văn hóa được thực hiện, hoàn thành làm nổi bật giá trị văn hóa di tích, nhân vật lịch sử ở nhiều địa phương. Các cuộc hội thảo khoa học về các danh nhân lịch sử, cách mạng như: Triệu Việt Vương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Trung tướng Nguyễn Bình… được tổ chức. UBND tỉnh đã ban hành Đề án đầu tư tu bổ, chống xuống cấp các di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, đem lại hiệu quả rõ rệt, kịp thời tu bổ, chống xuống cấp cho các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Tỉnh đã thực hiện tu bổ, chống xuống cấp cho 105 di tích (74 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh) với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Cùng với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, tỉnh cũng đẩy mạnh việc khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian. Nhiều lễ hội được khôi phục, tổ chức thường niên gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã tạo nên nét đẹp trong ứng xử của con người ở mỗi làng quê nông thôn. Đặc biệt, có nhiều di sản của Hưng Yên được vinh danh, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến như: Ca trù và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn, thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên (bên trái) được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
Kho báu di sản văn hóa của Hưng Yên ngày nay đang trở thành điểm tựa, gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để quê hương vững bước hội nhập, hòa vào sự phát triển sôi động không ngừng của đất nước trong quá trình toàn cầu hóa. Hệ thống di sản văn hóa Hưng Yên đã tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát triển du lịch di sản đã và đang được địa phương quan tâm nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Một số di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách thập phương như: Khu di tích Phố Hiến; khu di tích Đa Hòa - Dạ Trạch; di tích đền An Xá (Đậu An); di tích đền Phù Ủng; di tích chùa Nôm, làng Nôm… Nhờ đó, tốc độ phát triển du lịch của tỉnh đạt 10-15%/năm; khách du lịch đến với Hưng Yên ngày càng tăng. Đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm kê hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các dự án: Mở rộng khuôn viên Văn miếu Xích Đằng, đền Mẫu, đền Trần; phục dựng Phố Hiến xưa; lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch; quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực làng Nôm; phấn đấu xây dựng khu du lịch Phố Hiến trở thành khu du lịch quốc gia; lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội đền Phù Ủng (Ân Thi), lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch (Khoái Châu), lễ hội đền An Xá (Tiên Lữ), làng nghề đúc đồng Lộng Thượng (Văn Lâm), làng nghề hương xạ Cao Thôn (thành phố Hưng Yên); từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ và số hóa hiện vật, tài liệu, di sản văn hóa phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách…
Lễ hội truyền thống làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm)
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202301/gin-giu-di-san-van-hoa-que-huong-2c22d04/