Gìn giữ nét đẹp văn hóa trong ngày tết ông Công, ông Táo

Trong đời sống văn hóa của người dân Lạng Sơn, cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp (23/12 âm lịch) đã trở thành phong tục tốt đẹp được duy trì qua bao đời nay. Đây được coi là điểm khởi đầu của Tết Nguyên đán cổ truyền, tiễn ông Táo về chầu trời, người dân gửi gắm nhiều điều ước vọng để đón một năm mới bình an, hạnh phúc. Những năm qua, việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa tết ông Công, ông Táo luôn được duy trì.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, không ai biết chính xác tục lệ này có từ bao giờ, chỉ biết rằng lễ cúng ông Công, ông Táo từ lâu đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và đông đảo người dân Lạng Sơn nói chung.

Theo truyền thuyết dân gian, ông Công (thổ công) là vị thần cai quản đất đai, còn ông Táo (Táo quân) trông coi việc bếp núc. Đây là những vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi, ghi chép những việc trong năm của mỗi gia đình, theo lệ đến ngày 23 tháng Chạp, các vị này sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình báo cáo những việc tốt, xấu của gia đình.

Người dân phóng sinh cá chép tại sông Kỳ Cùng

Người dân phóng sinh cá chép tại sông Kỳ Cùng

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn cho biết: Tại Lạng Sơn, tục cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp phổ biến nhất là ở người Kinh và một bộ phận người Tày, Nùng. Ông Táo gắn với những hình tượng dân gian vô cùng gần gũi nhưng lại mang trong mình truyền thuyết sâu xa và ấm cúng.

Đây là biểu hiện của việc tôn thờ lửa, một trong những yếu tố kiến tạo và duy trì sự sống. Đó cũng là lý do tục thờ này tồn tại trong suốt nhiều ngàn năm. Ngoài ra, việc thả cá vàng với ngụ ý “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng cho tinh thần vượt khó, ý chí kiên trì chinh phục thử thách để đi đến thành công.

Làm nghề buôn bán, cả năm tất bật ngược xuôi, cuối năm lại là thời điểm bận rộn nhất, thế nhưng, giữa nhịp sống hối hả, chị Đinh Phương Thảo, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định vẫn tranh thủ dậy sớm đi chợ mua bán đồ lễ, mua cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Nếu như những năm trước, chị Thảo mua rất nhiều vàng mã để đốt thì 2 năm trở lại đây, chị đã thay đổi quan niệm chỉ mua xôi, gà, hoa, cá chép về lễ.

Chị Thảo cho biết: Theo tục lệ cha ông truyền lại, vào ngày 23 tháng Chạp, gia đình tôi chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất để tiễn ông Táo về trời. Do được chính quyền tuyên truyền, tôi đã bỏ việc đốt nhiều vàng mã, thay vào đó, tôi dùng số tiền đó để mua những thực phẩm thiết yếu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở trong khu phố.

Người dân thành phố Lạng Sơn phóng sinh cá chép tại sông Kỳ Cùng

Người dân thành phố Lạng Sơn phóng sinh cá chép tại sông Kỳ Cùng

Cùng chung suy nghĩ đó, anh Hồ Long, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Cúng ông Công, ông Táo đã trở thành nghi lễ không thể thiếu với gia đình tôi. Tôi quan niệm lễ vật không quá cầu kỳ nhưng cá chép vàng là phải có. Khi đi thả, tôi đựng cá vào chậu, không sử dụng túi bóng gây ô nhiễm môi trường.

Vào những ngày này, tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn các huyện, thành phố bày bán đa dạng các mặt hàng phục vụ ngày Tết ông Công, ông Táo. Trong đó, các mặt hàng như: Bộ đồ mã ông Công, ông Táo; hoa, quả, cau, trầu, cá chép… được đông đảo người dân chọn lựa.

Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cho biết: Xét từ góc độ Phật giáo, phóng sinh cá chép thể hiện sự từ bi cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân ta. Xét về khía cạnh môi trường, việc thả cá chép còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả.

Tại thành phố Lạng Sơn, bờ sông Kỳ Cùng được nhiều người dân lựa chọn làm nơi phóng sinh cá chép. Những năm gần đây, tình trạng người dân khi đi thả cá thường thả cả túi nilon, thậm chí cả đồ cúng lễ như tiền vàng, đồ thờ xuống sông đã không còn xuất hiện.

Có được kết quả này là những năm gần đây, vào dịp Tết ông Công, ông Táo, UBND thành phố Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí lực lượng trực tại các điểm thả cá dọc theo bờ sông Kỳ Cùng để tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi thả cá nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tham gia thu gom rác thải...

Với những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục truyền thống này, nét đẹp tín ngưỡng thờ cúng ông Công, ông Táo được người dân duy trì trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn, hướng đến chân, thiện, mỹ. Để gìn giữ trọn vẹn những giá trị này, mỗi gia đình cần hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nghi thức, tỏ lòng thành kính, trang trọng nhưng không phô trương, lạm dụng... Việc thả cá phải có ý thức, không thả rác, góp phần bảo vệ môi trường, giữ cho ao, sông, hồ thêm sạch, đẹp…

HOÀNG HIẾU - THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/gin-giu-net-dep-van-hoa-trong-ngay-tet-ong-cong-ong-tao-5035872.html