Gìn giữ văn hóa lễ hội: Xóa bỏ hủ tục, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp
Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) quyết định công bố thêm 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó chiếm phần lớn là các lễ hội truyền thống tại các địa phương. Điều này cho thấy lễ hội đi cùng với đời sống tinh thần của dân tộc Việt qua các giai đoạn lịch sử, là vốn quý cần gìn giữ. Tuy nhiên, còn khá nhiều vấn đề cần khắc phục trong văn hóa lễ hội, để xóa bỏ hủ tục, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Lễ hội là di sản văn hóa quý của quốc gia, dân tộc
Theo khái niệm được đưa ra bởi Bộ VH,TT&DL, lễ hội là một hiện tượng văn hóa được hình thành và phát triển trong những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa và kinh tế nhất định, gắn với những đặc điểm văn hóa cộng đồng. Bên cạnh việc bảo lưu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội đã và đang tạo nên những thói quen mới, lối sống mới, cách hành xử mới trước các sự kiện, dấu ấn lịch sử đương đại.
Việt Nam là một đất nước có đa dạng, phong phú các lễ hội. Thống kê sơ bộ của ngành văn hóa cho thấy, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng,... và ngoài ra còn có khoảng gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào. Đó là chưa kể các lễ hội nội bộ (ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ,...) chưa thể thống kê hết.
Như vậy, theo phân loại, hiện chúng ta đang có các loại hình lễ hội như lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo và các lễ hội du nhập từ nước ngoài. Trong số đó, lễ hội dân gian chiếm số lượng phong phú nhất và có sự ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân.
Các lễ hội dân gian tiêu biểu có thể kể đến Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo đó, Lễ hội Đền Hùng không chỉ diễn ra ở tỉnh Phú Thọ mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước, trở thành ngày hội của toàn dân tộc. Có Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh)... Đây đều là các lễ hội lớn không chỉ của người dân trong vùng mà còn thu hút người dân cả nước đến tham gia. Các lễ hội này quy mô lớn, đầu tư công phu cả phần lễ và phần hội, mỗi lần diễn ra đều được đông đảo người dân náo nức, thích thú tham gia.
Các lễ hội dân gian thường tái hiện những phong tục, tập quán của người Việt, đến các truyền thống, phong tục gắn với các thời kỳ dựng nước, mở cõi, phát triển đi lên của dân tộc.
Cạnh đó còn có các lễ hội của các địa phương, các dân tộc thiểu số, mang những nét độc đáo, đặc trưng riêng. Có thể kể đến Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Quảng Ngãi), Hội Kate của người Chăm, Lễ hội Hoa Ban dân tộc Thái (Sơn La), Lễ hội mừng lúa mới, lễ mừng nước giọt, lễ lập làng... của các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Giẻ - Triêng (Tây Nguyên), Lễ hội Chol Thnăm Thmây của đồng bào Khơ me thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang...
Trong khi đó, lễ hội lịch sử, cách mạng là những lễ hội đầy ý nghĩa cao đẹp được tổ chức nhằm tôn vinh những danh nhân, sự kiện lịch sử, cách mạng, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Cổ Loa tưởng nhớ ngày kỷ niệm Thục Phán An Dương Vương nhập cung; Lễ hội gò Đống Đa; Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng (Thanh Hóa), Lễ hội Làng Sen (Nghệ An)...
Cạnh đó, những năm gần đây, lễ hội tôn giáo là loại hình lễ hội có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhanh chóng lớn mạnh cùng với nhu cầu tôn giáo, hướng đến những giá trị tâm linh, hướng thiện của cộng đồng.
Ngoài phân loại theo hình thức, lễ hội của người Việt cũng có những đặc trưng riêng theo vùng miền. Nếu như ở miền Bắc có đa dạng lễ hội, liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, đến lịch sử dựng nước, giữ nước... thì suốt dải eo biển miền Trung, đời sống nhân dân gắn liền với mưu sinh trên biển, thế nên, Lễ hội Cầu ngư với tục thờ cá ông và Quan Âm Nam Hải là nét nổi bật nhất trong hệ thống lễ hội của người dân miền này.
Tại miền Nam, các lễ hội thường hướng đến quá trình “mang gươm mở cõi” của dân tộc, vinh danh các vị anh hùng mở cõi, giúp dân khai khẩn. Cạnh đó, hệ thống lễ hội nổi bật của miền Nam liên quan nhiều đến tín ngưỡng thờ mẫu, với các lễ hội nổi tiếng như Lễ hội núi Bà Đen, Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu...
Có thể thấy, lễ hội gắn liền với đời sống của nhân dân, phản ánh nét đẹp tâm hồn, là di sản văn hóa quý của quốc gia, dân tộc cần phải gìn giữ và phát huy.
Siết chặt quản lý, chấn chỉnh hoạt động lễ hội
Trong những năm gần đây, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống, do nhu cầu của xã hội, trên cơ sở đời sống kinh tế, đời sống văn hóa ở cơ sở được nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Tuy nhiên, đó đây vẫn còn những biến tướng của lễ hội, gây nên những tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của nhân dân. Mặc dù đã có chủ trương xóa bỏ các hủ tục, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, thế nhưng, tại một số đền chùa tồn tại một số “biến tướng” như các “dịch vụ” dâng sớ, cầu xin giúp “tín chủ”. Trước cổng nhiều phủ, đền, chùa còn tồn tại những lực lượng cò mồi, “buôn thần, bán thánh”, lợi dụng đền chùa kinh doanh trục lợi... Nhiều nơi vẫn tiếp diễn tình trạng đốt vàng mã, hiện tượng lên đồng, bói toán, xem tử vi, lừa gạt tiền của du khách...
Tại nhiều lễ hội vẫn còn những tục lệ trái thuần phong mỹ tục như các hành vi có tính chất man rợ, giết chóc. Một số lễ hội xa hoa, lãng phí, trọng hình thức bề nổi, chú trọng danh hiệu... chứ không chú trọng tái hiện những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những biến tướng của lễ hội đã phần nào làm “méo mó” và lu mờ những giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống.
Nguyên nhân của thực trạng này trong những năm qua, có thể kể đến sự tác động của nền kinh tế thị trường khiến nhiều lễ hội chạy theo lợi ích kinh tế hơn là giá trị tinh thần. Nhiều người dân vẫn còn hạn chế trong nhận thức về lễ hội, đánh đồng các lễ hội với các hoạt động mê tín dị đoan...
Cạnh đó, còn cần bàn đến vấn đề về quản lý lễ hội. Đó đây còn tồn tại hạn chế trong trình độ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội của cán bộ văn hóa cơ sở, sự không đồng bộ trong quản lý lễ hội giữa các bộ, ban, ngành các cấp...
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý về văn hóa đã quyết tâm lập lại nếp văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh. Thời điểm tháng Giêng này chính là “cao điểm” mùa lễ hội tại Việt Nam, từ trước đó, Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều công văn nhằm chấn chỉnh, hướng dẫn hoạt động lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở đã ban hành Công văn số 46/VHCS-NSVH gửi Sở VH,TT&DL; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước về lễ hội năm 2023.
Theo đó, việc tổ chức hoạt động lễ hội năm 2023 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan...
Sau một thời gian dài với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc lập lại nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng văn minh, lành mạnh, tại các điểm tâm linh trên nhiều như đền, chùa, phủ và các lễ hội xuân đã có những chuyển biến đáng kể như văn minh, an toàn, giảm yếu tố mê tín dị đoan, đồng thời các lễ hội đã hướng về các giá trị truyền thống, không còn đi “lạc nhịp” như trước.
Những hình ảnh văn minh của mùa lễ hội tháng Giêng năm nay cho thấy sự khởi sắc của văn hóa lễ hội nước ta sau một thời gian dài được chấn chỉnh. Điều quan trọng để duy trì lâu dài vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, của tín ngưỡng cổ truyền mà không sa đà vào mê tín, trục lợi là làm cách nào nâng tầm nhận thức cũng như trách nhiệm của cán bộ quản lý văn hóa.
Cạnh đó, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân khi tham gia các hoạt động lễ hội cũng hết sức cần thiết. Đây là một hành trình dài, không dễ dàng nhưng nhất định phải làm, để giữ gìn những giá trị tốt đẹp, những tinh hoa mà tiền nhân để lại cho các thế hệ mai sau.
Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã nêu rõ các nguyên tắc tổ chức lễ hội, theo đó lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân; phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Nghị định quy định không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.