Gìn giữ văn hóa lễ hội: Xóa bỏ hủ tục, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp

Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) quyết định công bố thêm 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó chiếm phần lớn là các lễ hội truyền thống tại các địa phương. Điều này cho thấy lễ hội đi cùng với đời sống tinh thần của dân tộc Việt qua các giai đoạn lịch sử, là vốn quý cần gìn giữ. Tuy nhiên, còn khá nhiều vấn đề cần khắc phục trong văn hóa lễ hội, để xóa bỏ hủ tục, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp.Lễ hội là di sản văn hóa quý của quốc gia, dân tộc

Lễ hội mùa Xuân và 'quỹ đạo' của nhà quản lý

Sau Tết cổ truyền, khi cánh cửa năm mới mở ra, trời đất giao hòa, tiết Xuân hiện hữu cũng là thời điểm nhiều lễ hội được tổ chức, điều này lý giải vì sao người ta thường gọi mùa Xuân là mùa của lễ hội, mùa du Xuân, vãn cảnh. Nhìn tổng thể, các lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo nhân dân mà còn nhằm mục tiêu duy trì, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tri ân công đức tổ tiên, nhân lên những mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều lễ hội ở các địa phương được tổ chức kéo theo số lượng người tham gia đông, việc tổ chức lễ hội thế nào cho đúng với ý nghĩa tốt đẹp của nó, tích hợp được các yếu tố an toàn, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao... đã trở thành mối quan tâm chung, là bài toán đặt ra và động thái cần có từ phía các cấp chính quyền, nhà quản lý...

Lễ hội mùa xuân - Sợi dây gắn kết cộng đồng

Lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức, nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành.