Gìn giữ văn hóa vùng miền
Đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại xã Đinh Văn Lâm Hà đang cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống với mong muốn tiếp tục hun đúc ngọn lửa bền bỉ ấy trên vùng đất mới.

Bà con đồng bào dân tộc Cil trên địa bàn xã Đinh Văn Lâm Hà gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông để lại
Tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống, vào những ngày nhàn rỗi, thế hệ trẻ ở thôn Tân Đức lại cùng nhau tụ họp, trao cho nhau những lời ca, tiếng hát, những điệu múa… Đó cũng là lí do cho sự ra đời của câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian dân tộc Thái.
CLB được thành lập nằm trong kế hoạch Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch”, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện, CLB được duy trì với 33 thành viên đều là bà con đồng bào dân tộc Thái tại thôn. Là người hướng dẫn trực tiếp các thành viên trong CLB, chị Nguyễn Thị Kim Thanh - thành viên CLB chia sẻ: “Trong CLB có cả nam và nữ cùng tham gia, mọi người thống nhất sinh hoạt vào mỗi tối hằng ngày. Ở đó, chúng tôi cùng nhau tập những điệu múa, điệu xòe hay nghe lại những bài hát đặc trưng của dân tộc mình. Đó cũng là cách để những người trẻ như chúng tôi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái”.
Thôn Tân Đức được thành lập từ năm 1978, hiện có 285 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm 1/3 dân số. Theo ông Mào Văn Mỹ - Bí thư Chi bộ thôn Tân Đức: “Để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, vào các ngày lễ lớn của đất nước, dịp tết…, thôn lại tập trung bà con tổ chức nhảy sạp, ném còn, dân ca dân vũ, thi trưng bày, nấu các món ăn dân tộc Thái và đặc biệt là biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc trưng”.
Là người truyền lửa cho thế hệ trẻ gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Thái trên vùng đất mới, ông Nguyễn Vũ Thân (70 tuổi) vẫn ngồi tỉ mẫn lau chùi cây đàn tính tẩu đã gắn bó từ hàng chục năm qua. Là người đồng bào dân tộc Thái đến từ Lào Cai, ngay từ nhỏ, ông Thân đã được đắm mình trong những câu hát then, đàn tính của ông bà, cha mẹ. Ông Thân bảo rằng, đàn tính được dùng để đệm hát dân ca, múa xòe, hát giao duyên tỏ tình hay biểu diễn vào những dịp mừng Đảng, mừng xuân, các sự kiện lớn của đất nước. Vào mỗi dịp như vậy, khắp nẻo thôn quê, những bước chân rộn rã mỗi lúc một đông kéo về nhà văn hóa, cùng tiếng nói, tiếng cười, hòa với tiếng đàn tính tẩu vang lên không ngớt.
Mỗi một vùng miền có một nét văn hóa đặc trưng. Và, với mỗi người con đồng bào dân tộc Cil trên vùng đất Đinh Văn Lâm Hà, việc lưu giữ văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng dân cư đang được tiếp nối bởi biết bao thế hệ trẻ. Mong muốn văn hóa truyền thống của bà con đồng bào dân tộc Cil không bị mai một và được thế hệ trẻ tiếp nối, nghệ nhân K’Thế trở thành người truyền cảm hứng, từng ngày, từng giờ đến sinh hoạt cùng các bạn đoàn viên, thanh niên tại CLB trẻ cồng chiêng của xã Đinh Văn Lâm Hà.
Nghệ nhân K’Thế cho rằng: “Cồng chiêng được ví như linh hồn của người con đại ngàn. Chính vì lẽ đó, trải qua bao đời nay, những già làng, hay nghệ nhân vẫn luôn miệt mài tâm huyết để truyền dạy cho con cháu kế thừa phát huy. Với cá nhân tôi, cồng chiêng tồn tại như một linh hồn linh thiêng nhất, quý giá nhất trong cộng đồng, gắn với sinh hoạt hằng ngày và cả những dịp quan trọng như đám cưới, mừng lúa mới, mừng nhà mới, đặt tên cho con… Tất cả đều được bắt đầu bằng âm hưởng cồng chiêng, thanh âm của núi rừng Tây Nguyên. Đó cũng giống như cầu nối giữa dân làng với thần linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có đủ đầy sức khỏe và cuộc sống bình an”.
Trên mảnh đất Nam Tây Nguyên ấy, dẫu những người con đó đến từ đâu, đến từ vùng miền nào, hay đồng bào dân tộc khác, họ vẫn luôn gìn giữ một nét văn hóa rất riêng của tổ tiên, của ông cha để lại. Đó không chỉ là đặc trưng, là tâm linh mà còn là sự giao thoa, kết nối văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số trên vùng đất mới.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/gin-giu-van-hoa-vung-mien-381679.html