Giới chức trách Mỹ xem xét nghi vấn thao túng cổ phiếu ngân hàng

Hãng tin Reuters hôm 4-5 dẫn một nguồn thạo tin cho biết giới quan chức liên bang và các tiểu bang ở Mỹ đang xem xét nghi vấn 'thao túng thị trường' sau khi giá cổ phiếu của ngành ngân hàng giảm mạnh trong những ngày gần đây.

Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực ở Mỹ tiếp tục bị bán tháo, với giá cổ phiếu của PacWest Bancorp giảm hơn 50% trong phiên giao dịch 4-5. Ảnh: Criptonoticias

Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực ở Mỹ tiếp tục bị bán tháo, với giá cổ phiếu của PacWest Bancorp giảm hơn 50% trong phiên giao dịch 4-5. Ảnh: Criptonoticias

Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực ở Mỹ tiếp tục lao dốc trong tuần này sau cú sụp đổ của First Republic Bank. Theo hãng phân tích Ortex, chỉ tính riêng ngày 4-5, những nhà đầu tư bán khống cổ phiếu của một số ngân hàng khu vực thu về 378,9 triệu đô la tiền lãi trên giấy tờ.

Nguồn tin của Reuters cho hay hoạt động bán khống gia tăng và mức biến động mạnh của cổ phiếu ngành ngân hàng đã thu hút sự chú ý của các quan chức và cơ quan quản lý liên bang và các tiểu bang trong những ngày gần đây. Họ cho rằng các yếu tố cơ bản và lượng vốn trong lĩnh vực ngân hàng vẫn ổn định.

“Các cơ quan quản lý và giới quan chức của các tiểu bang và liên bang đang ngày càng chú ý đến khả năng thao túng thị trường liên quan đến cổ phiếu ngân hàng”, nguồn tin nói.

“Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, bao gồm cả áp lực bán khống đối với các ngân hàng khỏe mạnh”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, cho biết trong một cuộc họp báo.

Hôm 4-5, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler nói cơ quan này sẽ chống lại bất kỳ hành vi sai trái nào có thể đe dọa các nhà đầu tư hoặc thị trường.

“Như tôi đã nói, trong thời điểm thị trường biến động mạnh, SEC đặc biệt tập trung vào việc xác định và truy tố bất kỳ hành vi sai trái nào có thể đe dọa các nhà đầu tư, hoặc thị trường rộng lớn hơn”, Gensler cho hay trong một tuyên bố bằng văn bản.

Lindsey Johnson, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội các ngân hàng tiêu dùng (CBA), nhấn mạnh ngành ngân hàng Mỹ vẫn vững mạnh và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách lên án “hành vi phi đạo đức” của những nhà đầu tư đang lợi dụng sự biến động của thị trường.

“Yếu tố cảm xúc và thông tin sai lệch đang thúc đẩy sự biến động giá của cổ phiếu ngân hàng. Điều này không phản ánh các yếu tố cơ bản mạnh mẽ của các ngân hàng”, Johnson nói.

Chỉ số ngân hàng S&P 600 của Mỹ giảm hơn 3% trong phiên giao dịch 4-5. Đáng chú ý là cổ phiếu của PacWest Bancorp, một ngân hàng khu vực có trụ sở ở bang California, giảm giá hơn 50% và nhiều lần dừng giao dịch do biến động giá quá lớn sau khi ngân hàng này xác nhận đang tìm kiếm các sự lựa chọn chiến lược bao gồm huy động thêm vốn hoặc bán mình. Cổ phiếu của PacWest đã mất gần 90% giá trị kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu nổ ra hồi đầu tháng 3.

Trong khi đó, cổ phiếu của Western Alliance Bancorp, ngân hàng khu vực có trụ sở ở bang Arizona, cũng giảm hơn 38% trong phiên giao dịch hôm qua. Western Alliance bác bỏ các thông tin đồn đoán cho rằng ngân hàng này đang tìm đối tác mua lại.

Nguồn tin của Reuters cho biết tình trạng giá cổ phiếu ngành ngân hàng lao dốc không phản ánh đúng thực tế là nhiều ngân hàng khu vực có thu nhập vượt trội trong quí đầu tiên và có các yếu tố cơ bản lành mạnh, bao gồm tiền gửi ổn định, đủ vốn và giảm tỷ lệ tiền gửi không có bảo hiểm.

Bán khống, trong đó nhà đầu tư bán vay cổ phiếu để bán nhằm mục đích mua lại những chứng khoán này với giá thấp hơn để bỏ túi khoản chênh lệch, không bị cấm và được coi là một phần của thị trường lành mạnh. Trong khi đó, hành vi thao túng giá cổ phiếu, được SEC định nghĩa là “hành vi cố ý để đánh lừa hoặc lừa gạt các nhà đầu tư bằng cách kiểm soát hoặc tác động một cách giả tạo”, đến giá cổ phiếu.

Hoạt động bán khống gia tăng dẫn đến một số lời kêu gọi cấm tạm thời hoạt động này. Nhưng hôm 3-5, một quan chức của SEC nói với Reuters rằng cơ quan này hiện không có kế hoạch đưa ra lệnh cấm như vậy.

Trong một diễn khác, giới phân tích ngân hàng và các lãnh đạo tài chính ở Phố Wall kêu gọi các cơ quan quản lý nhanh chóng cung cấp thêm biện pháp bảo vệ tiền gửi không được bảo hiểm ở các ngân hàng và xem xét triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ khác.

Họ cho rằng chỉ có hành động can thiệp như vậy mới có thể ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lây lan rộng thêm.

Trao đổi với Finacial Times hôm 4-5, tỉ phú Nelson Peltz, CEO của Trian Fund Management, cảnh báo First Republic Bank có thể không phải ngân hàng khu vực sụp đổ cuối cùng. Ông kêu gọi Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) tăng mức bảo hiểm tiền gửi vượt qua hạn mức 250.000 đô la bằng cách thu một khoản phí nhỏ từ những người gửi tiền cao hơn mức này.

Peltz nói: “Điều này sẽ ngăn dòng tiền gửi bị rút khỏi từ ngân hàng cộng đồng và khu vực nhỏ. Tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn tất cả các khoản tiền gửi đều chảy vào các ngân hàng lớn”.

Theo Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-chuc-trach-my-xem-xet-nghi-van-thao-tung-co-phieu-ngan-hang/