Giới đầu tư giao dịch đầy thận trọng

Chứng khoán Mỹ tìm kiếm hướng đi đầy khó khăn trong phiên thứ Năm (22/5) sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế và chi tiêu của Tổng thống Donald Trump, dự kiến sẽ khiến nợ chính phủ liên bang tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.

Nếu những gì Trump mô tả là một "dự luật lớn, đẹp đẽ" trở thành luật, thì dự kiến nợ công của Mỹ sẽ phải gánh thêm khoảng 3,8 nghìn tỷ USD vào khoản nợ 36,2 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.

Lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn theo đó chịu ảnh hưởng và dao động gần mức cao nhất trong nhiều tháng, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4,58% và kỳ hạn 30 năm ở mức đỉnh trong 19 tháng.

Chứng khoán Mỹ đã có một tháng vững chắc cho đến nay, với chỉ số S&P 500 tăng hơn 15% từ mức đáy trong tháng 4, thời điểm thuế quan có đi có lại của Trump làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Việc tạm dừng thuế quan sau đó, với thỏa thuận “ngừng bắn” thương mại tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc và dữ liệu lạm phát đã đẩy chứng khoán lên cao hơn, mặc dù S&P 500 vẫn đang thấp hơn khoảng 3% so với mức cao kỷ lục.

Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ nằm trong tính toán nếu chương trình nghị sự thuế quan của chính quyền Trump ổn định.

Các nhà giao dịch hiện dự báo có ít nhất hai lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay, theo dữ liệu do LSEG tổng hợp.

Kết thúc phiên 22/5: Chỉ số Dow Jones giảm 1,35 điểm (-0,00%), xuống 41.859,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,60 điểm (-0,04%), xuống 5.842,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 53,09 điểm (+0,28%), lên 18.925,73 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi lo ngại về sức khỏe tài chính của Mỹ khiến lợi suất trái phiếu kho bạc tăng gây áp lực đến các tài sản rủi ro, trong khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh yếu kém của khu vực đồng euro đã làm tăng thêm sự ảm đạm của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,64% xuống 550,27 điểm.

Các nhà đầu tư đang thận trọng, do tiến trình chậm chạp trong các thỏa thuận thương mại của Mỹ với các đối tác, cũng như kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Có một chút lo lắng về mức độ thâm hụt của Mỹ về mặt cấu trúc trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn sẽ có một bức tranh rất không chắc chắn liên quan đến tăng trưởng và một triển vọng về sự xấu đi của tài chính công tại nền kinh tế lớn nhất thế giới", Iain Barnes, giám đốc đầu tư tại Netwealth cho biết.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang dao động quanh mức cao nhất trong ba tháng, do lo ngại rằng nợ chính phủ Mỹ sẽ tăng lên hàng nghìn tỷ đô la, khi Hạ viện thông qua dự luật cắt giảm thuế của Trump.

Sau Mỹ, lợi suất trái phiếu dài hạn của Đức cũng đạt mức cao nhất trong hai tháng trong khi lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro tăng nhẹ, gây áp lực lên thị trường cổ phiếu.

Kết thúc phiên 22/5: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 47,20 điểm (-0,54%), xuống 8.739,26 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 123,23 điểm (-0,51%), xuống 23.999,17 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 46,05 điểm (-0,58%), xuống 7.864,44 điểm.

Giá dầu thô giảm, khi có thông tin OPEC+ đang thảo luận về việc tăng sản lượng khai thác trong tháng 7, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung vượt cầu.

Kết thúc phiên 22/5, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,37 USD (-0,60%), xuống 61,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,47 USD (-0,72%), xuống 64,44 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-giao-dich-day-than-trong-post369814.html