Giới hạn khách 'săn' ảnh cá voi ở Gia Lai
Sự trở lại liên tục của cá voi Bryde tại vùng biển Gia Lai được xem là tín hiệu tích cực về môi trường, song cũng đặt ra bài toán quản lý khi du lịch tự phát gia tăng.

Cảnh cá voi săn mồi dưới ánh bình minh tại bãi Nồm, thuộc phường Quy Nhơn Đông, tỉnh Gia Lai (khu vực Bình Định cũ), sáng 4/7. Ảnh: Mai Anh Đến.
Ngày 9/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch; UBND các xã, phường ven biển tăng cường bảo vệ cá voi Bryde.
Theo thống kê của Sở, từ năm 2022 đến nay, đặc biệt trong tháng 6 và 7 năm nay, cá voi Bryde thường xuyên xuất hiện tại nhiều vùng biển ven bờ như Xuân Thạnh (xã Phù Mỹ Đông), Vũng Bồi (xã An Lương), xã Đề Gi, Hòn Sẹo, Hòn Cỏ, Hòn Khô Lớn (phường Quy Nhơn Đông), Mũi Gành (phường Hoài Nhơn Đông).
Điều này cho thấy hệ sinh thái biển tại Gia Lai đang phục hồi tích cực, với nguồn thức ăn phong phú đáp ứng điều kiện sinh sống và tập tính kiếm ăn của chúng.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của cá voi cũng kéo theo làn sóng du lịch tự phát. Nhiều tàu cá, ca nô, tàu du lịch tiếp cận quá gần, tổ chức tour xem cá, chụp ảnh, thậm chí rượt đuổi theo bầy cá.
Chuyên gia cảnh báo cá voi Bryde sử dụng hạ âm để định vị và giao tiếp, nên tiếng động cơ tàu thuyền có thể khiến chúng mất phương hướng, căng thẳng hoặc bỏ đi. Va chạm nhẹ cũng có thể gây chấn thương.
Ngoài ra, với tập tính "ăn dựng", chúng rất dễ nuốt phải rác thải nhựa trôi nổi như túi nylon vốn được xem là mối đe dọa hàng đầu với động vật biển.

Thuyền "săn" ảnh cá voi trên biển Gia Lai ngày 6/7. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện.
Để hạn chế tác động xấu từ hoạt động du lịch, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai đề nghị các đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị, cá nhân tổ chức tour xem cá voi phải giữ khoảng cách tối thiểu 100 m. Tàu, thuyền không được tiến sát từ phía trước đầu hoặc phía sau đuôi cá voi, đồng thời giảm tốc độ và nên tắt máy khi đến gần khu vực có cá.
Ngoài ra, chính quyền chỉ cho phép tối đa 3 tàu hoạt động đồng thời trong phạm vi có cá voi để giảm thiểu tiếng ồn và xáo trộn môi trường.
Sở cũng đề nghị UBND các xã, phường ven biển tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân và chủ tàu cá chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt tại các khu vực được ghi nhận có cá voi xuất hiện.
Đồng thời, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát hoạt động của tàu du lịch, tàu dịch vụ để đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến loài thú biển quý hiếm này.
Cá voi Bryde (tên khoa học Balaenoptera edeni) thuộc họ cá voi lưng gù, dễ nhận biết nhờ 3 đường gờ chạy dọc đỉnh đầu và nhiều nếp gấp ở vùng cổ họng. Loài này sống gần bờ, từng được ghi nhận xuất hiện ở nhiều vùng biển Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt quanh khu vực Vịnh Thái Lan.
Tại Việt Nam, cá voi Bryde chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Riêng ở Gia Lai, tần suất cá voi xuất hiện ngày càng dày đặc trong 5 năm qua, cho thấy vùng biển này đang trở thành môi trường lý tưởng cho các loài động vật biển lớn chọn làm nơi kiếm ăn lâu dài.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gioi-han-khach-san-anh-ca-voi-o-gia-lai-post1567419.html