Giới học giả Trung Quốc hối thúc chính phủ cải cách

Giới học giả Trung Quốc đang hối thúc chính phủ tăng cường cải cách và mở cửa trong bối cảnh các đòn thuế của Mỹ khiến giới đầu tư di chuyển các chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc.

 Cai Fang, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Ảnh: businessamlive.com

Cai Fang, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Ảnh: businessamlive.com

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh quyết tâm đào sâu cải cách và mở cửa nền kinh tế hơn nữa.

Tuy nhiên, giới đầu tư nước ngoài không mấy ấn tượng với phát biểu này vì Trung Quốc đã từng cam kết nhiều lần về chuyện này. Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc hồi năm ngoái một phần là do tức giận trước tốc độ cải cách quá chậm chạp của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu hôm 28-6 ở Osaka, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ có các bước đi lớn để thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế, giảm các hạn chế thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những người từ lâu than phiền họ bị đối xử bất công so với các doanh nghiệp nhà nước cũng như bị hạn chế tiếp cận thị trường và cưỡng ép chuyển giao công nghệ ở Trung Quốc.

Ông Tập đã khái quát một số biện pháp được thiết kế để xoa dịu các khiếu nại này, bao gồm mở cửa hơn nữa ngành nông nghiệp, khai khoáng và dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài; thành lập sáu khu thương mại tự do mới; giảm thuế nhập khẩu, ban hành luật đầu tư nước ngoài mới để cải thiện bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của nước ngoài và thành lập một cơ chế giải quyết khiếu nại để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các nhà đầu tư.

Trong một bài viết đăng trên tài khoản ở WeChat của Diễn đàn CF40, Cai Fang, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn chính sách hàng đầu của Trung Quốc,nói: “Giải pháp tối thượng để giải quyết chủ nghĩa đơn phương của Mỹ là thực hiện các cải cách và mở cửa”.

Theo Cai Fang, thúc đẩy cải cách là điều quan trọng khi cuộc chiến thuế do Mỹ khởi xướng đang thôi thúc các nhà đầu tư di dời dây chuyển cung ứng của họ khỏi Trung Quốc.

Ông đề xuất chính phủ nới lỏng hơn nữa các quy định đăng ký hộ khẩu và đất đai để khuyến khích sự dịch chuyển trong nước của lực lượng lao động Trung Quốc. Ông cho rằng lợi thế sản xuất trong nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc là nhờ lực lượng lao động dồi dào, có chi phí rẻ nhưng điều này sẽ nhanh chóng biến mất khi dân số nước này ngày càng già hóa.

Ông nhấn mạnh, việc cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực nên được đặt ra trong chương trình nghị sự chính sách.

 Thông qua bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ cam kết đào sâu cải cách và mở cửa nền kinh tế hơn nữa. Ảnh: AP

Thông qua bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ cam kết đào sâu cải cách và mở cửa nền kinh tế hơn nữa. Ảnh: AP

Tôn trọng vai trò của thị trường là một trong những nguyên tắc quan trọng của phương hướng cải cách của Trung Quốc kể từ năm 2013. Song trong nhiều văn bản chính sách, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhấn mạnh vai trò của chính phủ và quyết tâm xây dựng các doanh nghiệp nhà nước ngày càng lớn hơn, mạnh hơn. Chính điều này gieo rắc những nghi ngờ về cam kết của Trung Quốc đối với việc tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Wang Yizhou ở Đại học Bắc Kinh thậm chí còn đưa ra đề xuất táo bạo hơn. Ông nói Trung Quốc phải cải thiện hệ thống chính trị đồng thời phải cởi mở và minh bạch trong một số lĩnh vực thì nước này mới có thể làm giảm sự thù dịch và tạo ra tầm ảnh hưởng quốc tế lớn hơn. Chẳng hạn, Trung Quốc phải nới lỏng kiểm duyệt Internet cũng như các biện pháp kiểm soát các tổ chức phi chính phủ.

“Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng chú ý về mặt kinh tế nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện phát triển chính trị, sự hài hòa xã hội và nhiều lĩnh vực khác”, Wang Yizhou nói tại một diễn đàn ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh hồi tháng trước.

Yu Yongding, cựu cố vấn của Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần nghiêm túc cân nhắc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thị trường có tổng dân số 500 triệu người và chiếm 13% GDP toàn cầu.

Theo Yongding, bằng cách gia nhập hiệp định này, Trung Quốc sẽ phải cam kết điều chỉnh các chính sách trong nước phù hợp với các chuẩn mực toàn cầu và thúc đẩy sân chơi công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và những đối thủ cạnh tranh ở khu vực tư nhân.

“Gia nhập CPTPP sẽ giúp Trung Quốc hưởng lợi về kinh tế và thúc đẩy cải cách”, Yu Yongding nói tại một diễn đàn ở Bắc Kinh ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản diễn ra. Ông cho rằng nếu không tham gia CPTPP, Trung Quốc có nguy cơ giảm sức mạnh cạnh tranh xuất khẩu.

Tuy nhiên, Trung Quốc e ngại tính công bằng cạnh tranh mà CPTPP tạo ra vì điều này sẽ mâu thuẫn với các chính sách kinh tế của Bắc Kinh. Các quan chức cấp cao Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về các vai trò cân xứng của sở hữu nhà nước và tư nhân trong nền kinh tế.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố các cải cách theo xu hướng thị trường tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Quốc hội Trung Quốc vào năm 2013, một số lĩnh vực đạt được tiến triển nhưng một số lĩnh vực khác suy yếu đi. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra cải cách lớn áp dụng cho các công ty nhà nước. Lập trường ưu ái các công ty nhà nước của Trung Quốc là một trong những rào cản khiến đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ bể hồi đầu tháng 5.

Jude Blanchette, cố vấn cấp cao ở hãng tư vấn chiến lược và rủi ro địa chính trị Crumpton Group cho rằng thúc đẩy cải cách các doanh nghiệp nhà nước là một thách thức lớn.

“Các cải cách sẽ khiến quyền lực chính trị và kinh tế chuyển giao từ nhóm này sang nhóm khác và nhóm gặp bất lợi hơn trong quy trình này sẽ luôn phản kháng. Các doanh nghiệp nhà nước lớn không muốn tạo ra một sân chơi công bằng với các doanh nghiệp tư nhân và các công ty trong nước cũng không muốn thấy một sân chơi công bằng với các công ty nước ngoài”, Blanchette nói.

Theo South China Morning Post

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291142/gioi-hoc-gia-trung-quoc-hoi-thuc-chinh-phu-cai-cach.html