Giới khoa học bối rối khi Trái Đất có 2 ngọn núi bí ẩn cao gấp trăm lần Everest
Các nhà khoa học đã phát hiện ra hai ngọn núi bí ẩn cao gấp cả trăm lần so với đỉnh Everest.
Kể từ khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay lần đầu tiên chinh phục đỉnh núi Everest vào năm 1953, chinh phục đỉnh cao nhất thế giới này đã trở thành mục tiêu của hầu hết các nhà leo núi trên hành tinh.
Theo tờ Dailymail, tuy nhiên, ngọn núi nổi tiếng này không thể so sánh với hai ngọn núi bí ẩn, cao hơn 100 lần so với đỉnh Everest 8.800 mét.
Với chiều cao khoảng 1.000 km, các “hòn đảo” đá khổng lồ có kích thước bằng cả một châu lục này làm lu mờ mọi thứ khác trên hành tinh chúng ta.
Theo các nhà khoa học tại Đại học Utrecht, những đỉnh núi khổng lồ này không nằm trên bề mặt Trái Đất mà bị chôn vùi ở độ sâu khoảng 2.000 km dưới chân chúng ta.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng những ngọn núi này có tuổi đời ít nhất là 500 triệu năm nhưng có thể có niên đại từ khi Trái Đất hình thành, khoảng 4 tỷ năm trước.
Nhà nghiên cứu chính, Tiến sĩ Arwen Deuss, nói: “Không ai biết các ngọn núi này là gì và liệu chúng chỉ là một hiện tượng tạm thời hay đã tồn tại hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ năm”.
Hai cấu trúc khổng lồ này nằm ở ranh giới giữa lõi Trái Đất và lớp phủ, khu vực nửa rắn nửa lỏng bên dưới lớp vỏ, nằm dưới châu Phi và Thái Bình Dương.
Xung quanh đó là “nghĩa địa” của các mảng kiến tạo bị chìm xuống từ bề mặt trong một quá trình gọi là sự hút chìm.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các hòn đảo này nóng hơn nhiều so với các mảng vỏ Trái Đất xung quanh và có tuổi đời lâu hơn hàng triệu năm.
Các nhà khoa học đã biết trong nhiều thập kỷ rằng có những cấu trúc rộng lớn ẩn sâu trong lớp phủ Trái Đất.
Điều này có thể xảy ra do cách sóng địa chấn từ động đất lan truyền qua bên trong hành tinh.
Một trận động đất mạnh xảy ra sẽ khiến Trái Đất rung lên như một quả chuông, phát ra sóng chấn động lan từ bên này sang bên kia của hành tinh. Nhưng khi các sóng này đi qua thứ gì đó dày đặc hoặc nóng, chúng bị chậm lại, yếu đi hoặc phản xạ hoàn toàn.
Do đó, bằng cách lắng nghe cẩn thận “âm thanh” từ phía bên kia của hành tinh, các nhà khoa học có thể dựng lên một bức tranh về những gì nằm bên dưới.
Qua nhiều năm, các nghiên cứu đã tiết lộ rằng có hai khu vực khổng lồ trong lớp phủ khiến sóng chấn động chậm lại đáng kể, được gọi là “Large Low Seismic Velocity Provinces (LLSVP), tạm dịch là “Các tỉnh tốc độ sóng địa chấn thấp lớn”. Hai LLSVP này chính là hai ngọn núi cao gấp trăm lần Everest mà ta đã nói ở trên.
Bà Deuss nói: “Sóng chậm lại vì LLSVP nóng, giống như ta không thể chạy nhanh trong thời tiết nóng như khi trời lạnh”.
Khi sóng đi qua một khu vực rất nóng, chúng cần tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để di chuyển. Điều này có nghĩa là âm thanh của sóng đi qua các LLSVP nóng sẽ lệch tông và nhỏ hơn các khu vực khác. Đây là một hiệu ứng mà các nhà khoa học gọi là giảm chấn.
Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu kiểm tra dữ liệu, họ bất ngờ phát hiện một bức tranh hoàn toàn khác. Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Sujania Talavera-Soza, nói: “Trái với dự đoán của chúng tôi, chúng tôi không thấy nhiều giảm chấn trong các LLSVP, điều này làm âm thanh ở đó nghe rất lớn. Nhưng chúng tôi lại thấy nhiều giảm chấn ở nghĩa địa của các mảng lạnh, nơi âm thanh nghe rất nhỏ”.
Các mảnh đá từ lớp vỏ gây ra nhiều giảm chấn vì chúng kết tinh lại thành một cấu trúc chặt chẽ khi chìm xuống gần lõi.
Điều này cho thấy rằng các ngọn núi được tạo thành từ các hạt khoáng lớn hơn nhiều so với các mảng xung quanh vì các hạt này không hấp thụ nhiều năng lượng từ sóng chấn động đi qua.
“Những hạt khoáng này không thể to lên chỉ sau một đêm, điều đó chỉ có thể nghĩa là: LLSVP có tuổi đời lâu hơn rất nhiều so với nghĩa địa của các mảng xung quanh”, bà Talavera-Soza nói.
Ở mức thấp nhất, các nhà nghiên cứu ước tính rằng những ngọn núi ngầm này có tuổi đời ít nhất 500 triệu năm. Nhưng chúng có thể còn lâu đời hơn rất nhiều, có khả năng quay ngược về thời điểm Trái Đất hình thành.
Điều này đi ngược lại quan niệm truyền thống rằng lớp phủ luôn ở trạng thái chuyển động liên tục.
Mặc dù lớp phủ không thực sự là chất lỏng, nhưng nó vẫn di chuyển như chất lỏng trong khoảng thời gian rất dài. Trước đây, người ta cho rằng lớp phủ do đó sẽ được trộn đều bởi các dòng chảy.
Nhưng trong thực tế, những cấu trúc này có tuổi đời hàng tỷ năm, cho thấy chúng không bị di chuyển hoặc gián đoạn bởi dòng đối lưu của lớp phủ, điều đó có nghĩa là lớp phủ không được trộn đều như người ta đã nghĩ.
Gần đây, các nhà khoa học đã đề xuất rằng các LLSVP có thể là tàn dư của một hành tinh cổ đại đã va chạm với Trái Đất cách đây hàng tỷ năm.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Mặt Trăng được hình thành khi một hành tinh có kích thước bằng Sao Hỏa, gọi là Theia, va chạm với Trái Đất, đẩy những mảnh vụn nóng chảy của cả hai hành tinh vào quỹ đạo.
Vì Mặt Trăng nhỏ hơn nhiều so với khối lượng của Theia, nên điều này đặt ra câu hỏi rõ ràng: phần còn lại của hành tinh đã đi đâu?
Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ California, các LLSVP có thể là phần còn lại của vụ va chạm với Theia.
Sau khi thực hiện một loạt mô phỏng, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng một lượng lớn vật chất từ Theia – khoảng 2% khối lượng Trái Đất – có thể đã đi vào lớp phủ dưới của Trái Đất cổ đại.
Điều đó giải thích tại sao những khu vực này dường như đặc hơn, nóng hơn và lâu đời hơn so với nghĩa địa các mảng xung quanh.