Phát hiện rùng rợn nơi 'hành tinh gió và lửa'

Các nhà khoa học vừa tìm thấy điều vô cùng chết chóc nơi thế giới từng được gọi với cái tên ngọt ngào 'hành tinh kẹo bông'.

Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Lisa Nortmann từ Đại học Göttingen (Đức) vừa phát hiện ra những luồng gió cuồng nộ hơn bất kỳ thế giới nào từng được nhân loại biết đến ở hành tinh mang tên WASP-127b.

Những luồng gió trên thế giới xa xôi này có tốc độ lên đến 33.000 km/giờ. Để so sánh, tốc độ gió cao nhất từng được ghi nhận trên địa cầu là 407 km/giờ, được đo tại Đảo Barrow của Úc vào năm 1996.

Một cơn bão cấp 17 theo thang sức gió Beaufort mở rộng mà Việt Nam sử dụng có tốc độ gió từ 202-220 km/giờ.

Hành tinh nóng bỏng và cuồng nộ WASP-127b - Ảnh đồ họa: ESO

Hành tinh nóng bỏng và cuồng nộ WASP-127b - Ảnh đồ họa: ESO

Viết trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phân tích quang phổ ánh sáng phản chiếu từ hành tinh WASP-127b, phát hiện ra hai đỉnh tương phản trong tín hiệu nước và carbon dioxide.

"Một phần bầu khí quyển của hành tinh này đang di chuyển về phía chúng ta với vận tốc cao trong khi một phần khác đang di chuyển ra xa chúng ta với cùng tốc độ" - TS Nortmann giải thích.

Tín hiệu này cho thấy có một luồng gió phản lực siêu thanh di chuyển xung quanh đường xích đạo của hành tinh.

"Nhanh là một cách nói khiêm tốn. Với tốc độ đáng kinh ngạc từ 7,5 đến 7,9 km/giây, chúng vượt xa bất kỳ cơn bão hay luồng phản lực nào mà khoa học biết đến" - các tác giả cho biết.

Từ lâu, WASP-127b đã được giới khoa học chú ý bởi trạng thái sưng phồng kỳ lạ, điều khiến nó mang những biệt danh ngọt ngào như "hành tinh kẹo bông" hay "hành tinh mây".

Thực tế, đó là một "Sao Mộc nóng", tức loại hành tinh khí to lớn kiểu Sao Mộc, nhưng nóng bỏng vì quay quá gần sao mẹ.

Ước tính kích thước của WASP-127b lớn hơn Sao Mộc một chút, nhưng khối lượng chỉ bằng 16% Sao Mộc.

Nó quay với quỹ đạo chỉ 4,2 ngày quanh ngôi sao mang tên WASP-127, cách Trái Đất 520 năm ánh sáng và bị khóa thủy triều với ngôi sao này.

Khóa thủy triều là hiện tượng một thiên thể bị sức hấp dẫn của thiên thể lớn hơn ràng buộc, khiến nó luôn quay chỉ một mặt về phía thiên thể lớn, giống như Mặt Trăng bị khóa thủy triều với Trái Đất.

Trong trường hợp của WASP-127b, tình trạng này khiến hành tinh có 2 bán cầu tương phản: Một mặt luôn là ban ngày, mặt kia luôn là ban đêm.

Mặt ban ngày của hành tinh có nhiệt độ "bốc lửa": Khoảng 1.000 độ C. Cộng với những cơn gió khủng khiếp nói trên, chắc chắn chúng ta không có hy vọng tìm thấy sự sống ở đây.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-hien-rung-ron-noi-hanh-tinh-gio-va-lua-196250124082805027.htm