Giới siêu giàu vỡ mộng khi sống trong các tòa nhà chọc trời ở New York

Các căn hộ trong những tòa nhà chọc trời ở New York có giá siêu cao nhưng đôi khi mang lại trải nghiệm kinh hoàng cho cư dân.

 Nhiều người New York mơ ước được sống trong những tòa nhà cao tầng. Ảnh: Reuters.

Nhiều người New York mơ ước được sống trong những tòa nhà cao tầng. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 9, căn hộ ba tầng trên đỉnh Central Park Tower ở thành phố New York, Mỹ đã được niêm yết với giá 390 triệu USD.

Theo ABC News, nếu được bán với giá đó, căn hộ này sẽ trở thành ngôi nhà đắt nhất nước Mỹ và gần như chỉ dành cho giới siêu giàu, 1% dân số thế giới.

Với độ cao hơn 470 m, Central Park Tower được xem là sự phát triển mới trong lịch sử 150 năm đầy biến động của nhà chọc trời tại New York.

Patrice Derrington, Giám đốc chương trình phát triển bất động sản của Đại học Columbia, nhận định: "Chúng tôi bắt đầu với một khu đất được gọi là Manhattan. Khu đất giờ đây đã chật kín, nhưng ngày càng có nhiều người muốn ở đó. Thay vì tản ra và chịu những bất lợi, về mặt thương mại, xã hội, mọi người quyết định họ phải lên cao. Như thường lệ, New York đã làm cho điều này trở nên cực đoan".

Không ngừng cao lên

Trong phần lớn lịch sử loài người, hầu hết tòa nhà dân cư và thương mại đều không vượt quá vài tầng.

Carol Willis, người sáng lập, giám đốc và người phụ trách Bảo tàng nhà chọc trời của New York, cho biết: "Các tòa nhà bị hạn chế bởi cơ chân của những người sinh sống".

Nhưng việc phát minh ra thang máy đã thay đổi đáng kể điều này. Willis cho biết sự phát triển của thang máy vào giữa thế kỷ 19, đặc biệt là hệ thống an toàn do nhà công nghiệp người Mỹ Elisha Graves Otis thiết kế, đã biến ý tưởng về một tòa nhà chọc trời thành hiện thực.

"Đó là cuộc cách mạng cho phép khai thác giá trị của đất đai và mật độ đô thị cũng như sự cạnh tranh, động lực, năng lượng tồn tại ở Manhattan".

 Central Park Tower cao hơn 470 m.

Central Park Tower cao hơn 470 m.

Mosette Broderick, Giám đốc thiết kế đô thị và nghiên cứu kiến trúc tại Đại học New York, nói rằng tòa nhà Equitable Life Assurance, mở cửa vào năm 1870 và cao 7 tầng, là tòa nhà cao tầng đầu tiên ở New York.

"Ban đầu, mọi người hơi sợ nên tầng cao nhất không cho thuê", Broderick cho biết thêm.

Trong khi đó, Willis nói hai tòa nhà New York Tribune và Western Union Telegraph là "khởi đầu của nhà chọc trời ở New York".

Các tòa nhà tương tự tiếp tục mọc lên ở khu vực Manhattan trong hơn một thế kỷ tiếp theo.

Derrington, Giám đốc chương trình phát triển bất động sản của Đại học Columbia, nói rằng có một phản ứng chống lại các tòa nhà chọc trời và văn phòng làm việc ở những nơi này sau sự kiện 11/9.

Tuy nhiên, điều này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. "Ký ức của mọi người rất ngắn, đặc biệt là ở New York khi nói đến tiền", Derrington nói.

Nhiều vấn đề

Trong những năm gần đây, một loại nhà chọc trời mới được gọi là "siêu cao ốc" bắt đầu chiếm ưu thế. Dân cư của những nơi này chủ yếu là tỷ phú, giới siêu giàu.

"Sai sót hoặc lỗ hổng trong luật phân vùng đã cho phép những tòa nhà cao nhất có thể mọc lên trên một diện tích đất rất nhỏ. Nhiều người cảm thấy kinh hoàng", Derrington cho biết.

 Một căn hộ trong nhà chọc trời ở New York.

Một căn hộ trong nhà chọc trời ở New York.

Những chung cư siêu mỏng này cũng vướng phải nhiều vụ khiếu nại, kiện tụng từ các chủ sở hữu.

Broderick nói: "Ví dụ nổi tiếng về một tòa nhà cao và mỏng hiện không hoạt động là 432 Park Avenue. Nó có thể được xem là tòa nhà siêu cao đầu tiên".

Khi được hoàn thành vào năm 2015, 432 Park Avenue là tòa nhà dân cư cao nhất thế giới. "Nhưng những người đã mua các căn hộ vào năm 2015-2016 đang kiện chủ đầu tư với số tiền 125 triệu USD vì tòa nhà thường xuyên kêu cót két, lắc lư, cảnh tượng rất đáng sợ vào ban đêm".

Luke Leung, Giám đốc công ty kiến trúc Skidmore, Owings và Merrill, cho biết một trong những phàn nàn phổ biến nhất ở các tòa nhà chọc trời là tiếng ồn. Ông có thể nghe thấy vách ngăn bằng kim loại giữa các bức tường kêu khi tòa nhà lắc lư hay tiếng rì rào ma quái của luồng không khí lọt vào ô cửa và trục thang máy.

Derrington cho biết thêm: "Nhiều kỹ sư cũng đã nói rằng những tòa nhà như thế này vẫn chưa được thử nghiệm về lối thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Nó chưa có sự cố gì, chưa gây nguy hiểm nhưng khiến người mua mất hứng thú. Đó là vấn đề của các tòa nhà chọc trời ở New York".

Lê Vy

Ảnh: The New York Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-sieu-giau-vo-mong-khi-song-trong-cac-toa-nha-choc-troi-o-new-york-post1364445.html