Giới trẻ Trung Quốc chi tiền để làm 'hoàng đế'

Từ những bữa ăn sang trọng đến ngày cuối tuần hái rau dại, người trẻ Trung Quốc đang tìm kiếm cách mới lạ để giảm bớt căng thẳng và áp lực của cuộc sống hiện đại.

 Giới trẻ ở Trung Quốc hóa trang thành hoàng đế để giảm bớt căng thẳng và áp lực của cuộc sống. Ảnh: SCMP composite/RedNote.

Giới trẻ ở Trung Quốc hóa trang thành hoàng đế để giảm bớt căng thẳng và áp lực của cuộc sống. Ảnh: SCMP composite/RedNote.

Giới trẻ Trung Quốc đang tìm ra những cách thư giãn và hồi phục tinh thần đầy sáng tạo giữa khối lượng công việc căng thẳng và nhịp sống đô thị chóng mặt, theo South China Morning Post.

Từ việc hóa thân thành hoàng đế hay hoàng hậu cổ đại để tận hưởng bữa tối xa hoa tại nhà hàng sang trọng, đến tìm sự an yên bằng cách hái rau ngoài đồng - những hoạt động này đang định nghĩa lại cách người trẻ xả stress và tìm kiếm ý nghĩa ngoài vòng quay thường nhật.

Ăn tối như bậc đế vương

Người tham gia sẽ hóa trang thành hoàng đế hoặc hoàng hậu để dự “yến tiệc hoàng cung” - kết hợp văn hóa cổ xưa, ẩm thực cao cấp và giải trí sân khấu.

 Người trẻ Trung Quốc thư giãn bằng cách hóa trang thành hoàng đế hoặc hoàng hậu trong “yến tiệc hoàng cung”. Ảnh: Weixin.

Người trẻ Trung Quốc thư giãn bằng cách hóa trang thành hoàng đế hoặc hoàng hậu trong “yến tiệc hoàng cung”. Ảnh: Weixin.

Các địa điểm tổ chức được thiết kế để tái hiện vẻ nguy nga tráng lệ của cung điện Trung Hoa xưa, với đồ trang trí bằng vàng, kiến trúc tinh xảo và các chi tiết đặc trưng theo từng thời kỳ.

Khi bước vào, khách được chào đón và được gọi là “bệ hạ” bởi đội ngũ phục vụ mặc trang phục cung đình.

“Hôm qua tôi còn cúi đầu chào sếp ở chỗ làm. Hôm nay, người ta cúi chào tôi và gọi tôi là ‘bệ hạ’”, một bạn trẻ nói vui.

Trong suốt bữa tiệc, thực khách được thưởng thức các màn trình diễn trực tiếp tái hiện câu chuyện lịch sử, âm nhạc truyền thống Trung Hoa và vũ điệu đến từ triều đại khác nhau.

Giá thực đơn tùy thuộc vào vị trí ngồi và khung giờ ăn. Tại một buổi yến tiệc ở Bắc Kinh, giá bữa tối là 598 tệ (khoảng 82 USD) cho ghế hàng thứ hai và 698 tệ (khoảng 96 USD) cho ghế hàng đầu.

Hái rau

Tại Thượng Hải, việc đi hái rau dại trở thành hình thức hẹn hò mới mẻ và thú vị dành cho các cặp đôi trẻ hay nhân viên văn phòng. Họ thường đổ xô đến công viên, khu vực vành đai xanh hoặc vùng ngoại ô vào cuối tuần.

 Hái rau trở thành trò tiêu khiển lãng mạn phổ biến. Ảnh: Weixin.

Hái rau trở thành trò tiêu khiển lãng mạn phổ biến. Ảnh: Weixin.

So với các hoạt động cần trang phục chỉn chu và chi phí cao như cắm trại hay leo núi, đào hái rau dại gần như không tốn kém.

Tự gọi mình là “những người hái lượm hoang dã”, họ thường lập nhóm thuê xe để cùng nhau về vùng quê, mang theo sách hướng dẫn nhận dạng các loại rau dại và dụng cụ chuyên dụng.

Người tham gia cũng chia sẻ hành trình hái rau của mình lên mạng xã hội, kèm theo công thức chế biến và mẹo vặt với những hashtag thịnh hành như “thú vui đào củ, rau dại” hoặc “trở về với thiên nhiên”.

Liya từng không thích đồng ruộng nhưng sau đó cũng tham gia "săn" rau. Khi trải nghiệm, cô nhận ra hòa mình vào thiên nhiên thú vị hơn nhiều so với thú vui ảo trên mạng xã hội.

"Nếu biết trước có ngày sẽ đi đào rau, tôi đã mua đôi giày rẻ hơn", cô nói.

Dù vậy, Liya chia sẻ cô cảm thấy mệt khi phải ngồi xổm, đào bới và làm sạch rau suốt nhiều giờ.

"Số rau tôi đào được chưa đến 20 tệ (2,75 USD) nhưng lại tốn 200 tệ tiền massage lưng (27,5 USD)", cô cho hay.

Nhiều cặp đôi còn xem việc cùng nhau hái rau dại là cách sáng tạo để gắn kết và tạo nên kỷ niệm đáng nhớ.

“Người chuột”

Thuật ngữ “người chuột ít năng lượng” (Low-Energy Rat Person) chỉ những người chọn sống theo phong cách tối giản, ít nỗ lực - đặc trưng bởi sự trì hoãn, lười biếng và thiếu động lực một cách hài hước.

 Những người tự nhận là "chuột ít năng lượng" cố gắng làm càng ít càng tốt. Ảnh: Weixin.

Những người tự nhận là "chuột ít năng lượng" cố gắng làm càng ít càng tốt. Ảnh: Weixin.

Khái niệm này bắt nguồn từ sinh viên quốc tế tại Anh, bắt đầu ghi lại những ngày ít năng lượng của mình như một cách hài hước để đối phó với mùa đông u ám, hoàng hôn đến sớm và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Do không có động lực ra ngoài hoặc nấu bữa ăn cầu kỳ, nhiều sinh viên thấy mình dành cả ngày ở trong nhà, ăn thức ăn được chế biến vội vàng và tránh mọi hoạt động đòi hỏi năng lượng.

Phong cách sống tiết kiệm năng lượng này nhanh chóng lan ra tại Trung Quốc, chạm đến tâm trạng chung của một số người trẻ đang đối mặt với tình trạng kiệt sức và căng thẳng.

Một ngày điển hình của “người chuột ít năng lượng” có thể bao gồm dậy muộn, chỉ gọi cà phê hay đồ ăn sau khi đã đói, rồi dành hàng giờ để đấu tranh tư tưởng xem có nên hoàn thành nhiệm vụ cơ bản như tắm rửa hay không.

Zhang Yong, nhân viên xã hội từ tỉnh Hồ Bắc, cho biết "người chuột" phản ánh xu hướng "rút lui khỏi xã hội" ở một bộ phận người trẻ tuổi.

"Đó là cơ chế đối phó thụ động sau thất bại. Họ giảm giao tiếp xã hội và đơn giản hóa cuộc sống của mình để phục hồi", Zhang nói.

Dù vậy, ông cũng cảnh báo xu hướng này không bền vững, bởi quan trọng là phải kết nối lại với những điều yêu thích, tích cực trong cuộc sống.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/gioi-tre-trung-quoc-chi-tien-de-lam-hoang-de-post1550712.html