Nhà văn hóa lớn Hữu Ngọc qua đời ở tuổi 107

Nhà văn hóa Hữu Ngọc, người được mệnh danh 'người nối cầu văn hóa Việt Nam và thế giới', qua đời ở tuổi 107.

Theo thông tin từ gia đình, nhà văn hóa Hữu Ngọc qua đời vào 19 giờ 10 ngày 2-5, lễ viếng được tổ chức vào 13 giờ ngày 5-5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 198, số 58 Trần Bình, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra lúc 14 giờ cùng ngày. Thi hài ông được hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (Ảnh: Facebook nhà báo Nguyễn Như Mai)

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (Ảnh: Facebook nhà báo Nguyễn Như Mai)

Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, quê gốc ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Thời tuổi trẻ, ông từng dạy tiếng Anh ở Nam Định, sau đó đi bộ đội, phụ trách tờ báo "L'Étincelle" (Tia sáng) bằng tiếng Pháp với vai trò tổng biên tập kiêm phóng viên. "Tia sáng" là tờ báo đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng là tờ báo địch vận đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, ông còn làm tổng biên tập một số tờ báo đối ngoại.

Với tri thức sâu rộng, ông sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, sử dụng được chữ Hán.

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc và vợ con năm 1946 tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc và vợ con năm 1946 tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Hơn 70 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã cho ra đời một loạt tác phẩm viết về kho tàng văn hóa phong phú của nhiều dân tộc. Đó là "Phác thảo chân dung văn hóa Pháp", "Mảnh trời Bắc Âu - Văn hóa Thụy Điển", "Hồ sơ văn hóa Mỹ", "Chân dung văn hóa Nhật Bản", "Chìa khóa để biết và hiểu Lào"...

Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời cho Le Courrier Viet Nam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). Những bài viết đó đã được tập hợp thành một cuốn sách "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" với 3 ấn bản bằng tiếng Anh, Pháp và Việt Nam.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc được coi là biểu tượng trí tuệ và đối thoại nhân văn với sức lao động bền bỉ. Ở tuổi 102 ông đã ra mắt độc giả bộ sách "Cảo thơm lần giở" gồm 2 cuốn, dung lượng gần 1.000 trang. Cuốn sách tập hợp hàng trăm bài viết ông đã công bố, đăng trên chuyên mục "Cảo thơm lần giở" của báo Sức khỏe và Đời sống số Chủ nhật trong hơn 10 năm. Thông qua bộ sách này, độc giả được tìm hiểu và lĩnh hội tư duy của 180 danh nhân thế giới, ở nhiều lĩnh vực như: tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, xã hội, lịch sử, tâm lý, chính trị. Tiêu biểu là các danh nhân Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, Khổng Tử, Tôn Tử, Hegel, Sokrates, Darwin, Einstein, Shakespeare, Cesvantes, Dante, Goethe, Tagor, Moliere, Leonardo da Vinci, Picasso… và 3 danh nhân Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với hàng trăm bài viết, đầu sách, hoạt động nghiên cứu, đối thoại và dịch thuật, ông đã góp phần đưa hình ảnh đất nước và chiều sâu bản sắc dân tộc đến gần hơn với thế giới.

Nhà báo Nguyễn Như Mai đánh giá nhà văn hóa Hữu Ngọc là "một nhà văn hóa lớn của đất nước, là tác gia và chứng nhân của lịch sử".

Những cống hiến không mệt mỏi ấy của ông đã được ghi nhận và tôn vinh qua nhiều giải thưởng của Việt Nam và nước ngoài như: Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp), Huân chương Bắc Đẩu (Thụy Điển), Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội năm 2017, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam…

Tầm vóc và đóng góp của ông không chỉ được ghi nhận trong nước, mà còn được trân trọng trên trường quốc tế. Đại sứ Thụy Điển Börje Lunggren từng nói tại lễ trao Huân chương Bắc Đẩu năm 1997: "Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp người bắc cầu giữa các nền văn hóa như ông Hữu Ngọc - cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một con người quốc gia chân chính, rất tế nhị khi thâu nhận những nền văn hóa khác".

Đại sứ Pháp Claude Blanchemaison khẳng định: "Nếu có một nhà trí thức nào, một nhà văn nào xứng đáng nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm này, thì đó là ông Hữu Ngọc - nhà văn hóa, nhân văn lớn."

Trong một sự kiện khác, ông Sylvain - Bộ trưởng Khối Pháp ngữ của Quebec, Canada - đã dành những lời chân thành: "Ông Hữu Ngọc là một trong những học giả xuất sắc của Việt Nam. Ở ông, tôi xin chào không những một ký ức không bao giờ cạn, mà cả một con người có vốn văn hóa tế nhị, hình ảnh của Việt Nam".

Lễ tang của ông sẽ được tổ chức vào lúc 13 giờ ngày 5-5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 198, phố Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nha-van-hoa-lon-huu-ngoc-qua-doi-o-tuoi-107-196250504113809566.htm